Có thực Cuba có 'vũ khí âm thanh'?

26/08/2017 14:11

Tin tức về một loại vũ khí âm thanh bí mật dùng tấn công các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba khiến giới khoa học bối rối, không thể đưa ra lời giải thích.

Có thực Cuba có 'vũ khí âm thanh'?
Tòa nhà đại sứ quán Mỹ (bên phải) ở thủ đô Havana. Ảnh: AFP

Dẫn nguồn các tài liệu y tế, đài CBS của Mỹ đưa tin một số nhà ngoại giao Mỹ và Canada làm việc ở Cuba được các bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương hệ thần kinh trung ương. Giả thiết đặt ra là họ bị tấn công bằng một loại vũ khí âm thanh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert trong cuộc họp báo ngày 24-8 từ chối xác nhận thông tin của đài CBS, tuy nhiên bà thừa nhận ít nhất 16 quan chức ngoại giao mắc các triệu chứng lạ và đang được điều trị ở Mỹ và Cuba.

Bức màn bí mật

Các bản tin khác cho rằng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada đã tiến hành điều tra ở Cuba và đi đến kết luận rằng một loại vũ khí âm thanh đã được sử dụng, nhưng cụ thể hơn thì chưa ai có câu trả lời.

Ngoài những câu hỏi như thủ phạm là ai, động cơ là gì… thì công nghệ của loại vũ khí âm thanh gây rất nhiều thắc mắc.

Loại vũ khí này quả thật có tồn tại, nhưng chúng chủ yếu phát ra thanh cường độ lớn, có thể nghe thấy. Còn theo thông tin ban đầu từ Havana thì loại vũ khí bí ẩn phát ra âm thanh không thể nghe bằng tai người.

“Câu chuyện quả là bí ẩn. Tôi không biết đến bất cứ hiệu ứng âm thanh nào gây ra các triệu chứng như bị chấn động. Theo nghiên cứu của tôi, để tác động mạnh lên con người đòi hỏi cường độ âm thanh rất lớn, có thể nghe thấy khi phát ra” - GS-TS Jürgen Altmann, nhà vật lý thuộc Đại học Kỹ thuật Dortmund (Đức), nhận xét về thông tin báo đài đưa.

Còn theo Tiến sĩ Charles Liberman thuộc Trường Y khoa Harvard, để gây ra hiện tượng mất thính giác do âm thanh, bộ phận cảm nhận âm thanh (nghe thấy được) phải bị quá tải.

Cả hai chuyên gia Altmann và Liberman đều lưu ý do thiếu các dữ kiện, rất khó để giải thích loại thiết bị nào đã được sử dụng.

TS Scott Masten, chuyên gia về độc chất học thuộc Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ, bổ sung thêm: “Âm thanh cường độ lớn ở bất cứ tầng số nào đều có thể gây ra các hiệu ứng tâm lý có hại hoặc thay đổi hành vi ở con người. Chúng tôi không biết đến bất cứ công trình nghiên cứu nào về hiệu ứng sức khỏe của âm thanh khi được dùng để cố tình gây tổn hại”.

Có thực Cuba có 'vũ khí âm thanh'?
Ảnh minh họa cho vũ khí âm thanh. Ảnh: iflscience

Muôn vàn giả thiết

Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ Cuba khẳng định không liên quan đến những gì đã xảy ra và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa xác định được nguồn gốc các vụ tấn công.

“Chúng tôi không đổ trách nhiệm cho bên nào vào thời điểm này, chúng tôi chưa biết thủ phạm là ai . Cuộc điều tra vẫn đang tiến hành” - người phát ngôn Nauert của phía Mỹ cho biết.

Theo đài Fox News của Mỹ, có một giả thiết cho rằng loại thiết bị dùng tấn công các nhà ngoại giao phát ra sóng hạ âm - tức loại âm thanh có tần số thấp hơn 20 Hz, dưới ngưỡng nghe của tai người.

Một nghiên cứu công bố năm ngoái của Đại học Portsmouth (Anh) mô tả sóng hạ âm có tiềm năng dùng vào mục đích quân sự, gây tê liệt các mục tiêu trên chiến trường.

Ngoài ra, khả năng thiết bị phát ra sóng siêu âm cũng được đề cập. Đây là sóng âm có tần số trên 20 KHz, cũng ngoài phạm vi cảm nhận bằng tai người.

“Có thể đặt giả thiết sóng siêu âm đã được sử dụng, nhưng để phát loại sóng này đi một khoảng cách xa và xuyên qua các bức tường không phải chuyện dễ dàng” - TS Altmann bình luận.

Một lời giải thích khả dĩ cho triệu chứng của các nhà ngoại giao, theo ông Altmann, đó là việc sử dụng một số hóa chất gây mất thính giác.

Nhóm hóa chất này, bao gồm một số hóa chất công nghiệp, có thể gây tổn thương tai trong và dây thần kinh thính giác.

Đa số các nhà khoa học, trong đó có ông Altmann, đều không biết đến loại “vũ khí âm thanh” nào trên thực tế.

“Thứ gần giống nhất đó là LRAD - một loại thiết bị phát ra âm thanh cường độ lớn và có thể nghe thấy” - ông Altmann giải thích.

Thiết bị phát sóng âm tầm xa (LRAD) đã được lực lượng cảnh sát một số nước sử dụng như một loại “pháo âm thanh”. LRAD từng được sử dụng để giải tán đám đông biểu tình chống hội nghị G20 ở thành phố Pittsburgh (Mỹ) hồi năm 2009.

Một thẩm phán liên bang Mỹ hồi tháng 6 đã ra phán quyết chấp nhận đơn kiện của một nhóm 6 người chống lại Sở cảnh sát New York liên quan đến LRAD. Họ than phiền bị đau nửa đầu và mất thính giác sau khi bị cảnh sát bắn “pháo âm thanh” trong cuộc biểu tình hồi năm 2014.

Theo TTO

TIN LIÊN QUAN