Đô Lương: Nhiều lao động xuất khẩu bằng con đường không chính thống

06/09/2017 10:59

(Baonghean.vn) - Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho biết, số lượng xuất khẩu lao động trên địa bàn hiện chủ yếu bằng con đường tự do, còn đi chính ngạch rất ít.

Đó là nội dung được nêu tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với UBND xã Trù Sơn (Đô Lương) sáng 6/9 theo chương trình giám sát việc thực hiện một số chính sách xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Theo báo cáo của UBND xã, trong 2 năm (2015 và 2016) và 7 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn xã có 100 người đi xuất khẩu lao động/190 người theo kế hoạch. Thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia...

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thụy Chính, số lượng xuất khẩu lao động hiện tại chủ yếu bằng con đường tự do, còn đi chính ngạch rất ít.

Lý do được ông Chính đưa ra là hạn chế nhiều mặt trong công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp được huyện giới thiệu về địa phương tuyển dụng lao động đi xuất khẩu ở các thị trường mà người dân đã nhàm chán như Malaysia, Đài Loan, Indonesia; trong khi người dân thích đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Nga, Thái Lan...

Trên địa bàn xã có 7 đối tượng cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, hiện có 5 người đã về nước.

Liên quan đến việc thực hiện một số chính sách xuất khẩu lao động, ông Lê Xuân Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động cho người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách - các đối tượng ít tham gia xuất khẩu lao động thì chính sách cho vay khác còn ít, thủ tục rườm rà.

Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, thùa nhận công tác quản lý xuất khẩu lao động trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Mai Hoa
Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn thừa nhận công tác quản lý xuất khẩu lao động trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Ảnh: Mai Hoa

Tại cuộc làm việc, các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị chính quyền xã làm rõ hơn về tiềm năng lao động tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn; tỷ lệ hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động và tác động của xuất khẩu lao động đối với công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương; vì sao số lao động xuất khẩu thấp hơn kế hoạch đề ra...

Thay mặt đoàn giám sát, phát biểu tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị UBND xã rà soát lại các văn bản, quy định về xuất khẩu lao động hiện hành để tuyên truyền sâu rộng, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức được giao trách nhiệm phụ trách nhiệm vụ này nhằm tăng cường quản lý Nhà nước; đồng thời tuyên truyền cho đối tượng có nhu cầu đi lao động nhằm định hướng, tuyên truyền để tham gia xuất khẩu bằng con đường chính ngạch.

Bà Lan cũng nhấn mạnh cần quan tâm làm rõ các cơ sở pháp lý đối với các tập thể, cá nhân thực hiện công tác tuyển dụng người đi lao động tại địa bàn xã, tăng cường tìm kiếm thị trường và các doanh nghiệp có uy tín về địa phương thực hiện tuyển dụng người lao động, không bị động chờ doanh nghiệp tìm về với mình, hạn chế đi lao động tự do, tránh rủi ro./.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN