Sử dụng flycam không xin phép: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

03/09/2017 14:26

(Baonghean) - Thiết bị bay siêu nhẹ tích hợp máy chụp hình, quay phim, được biết đến với tên gọi thông dụng là flycam đang ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là với giới quay phim, chụp ảnh dịch vụ và dân “sành” công nghệ. Thế nhưng ít ai biết rằng, sử dụng flycam phải xin giấy phép của Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu; nếu vi phạm, tuỳ mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mua dễ, dùng thoải mái

Theo nhiều người chơi, flycam bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam khoảng từ năm 2013, 2014. Thời điểm đó, các cửa hàng bán flycam còn khá hiếm, chỉ một số cửa hàng ở thành phố lớn mới nhập về vì giá tiền cao, lượng người chơi còn chưa nhiều.

Tuy nhiên, đến nay, khi thiết bị bay siêu nhẹ này đã trở nên quen thuộc thì rất dễ dàng để tìm mua bởi các địa chỉ rao bán sản phẩm tràn lan cả ở ngoài đời thực lẫn trên mạng. Thị trường flycam cũng rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, giá cả giao động từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/ chiếc.

Flycam là thiết bị quen thuộc với nhiều người hiện nay.
Flycam là thiết bị quen thuộc với nhiều người hiện nay.

Ngoại trừ một bộ phận giới trẻ tìm mua flycam để thoả mãn niềm đam mê công nghệ thì hiện nay, người dùng flycam phần lớn là những người quay phim, chụp ảnh dịch vụ. Anh V.Đ.V - chủ một studio ở huyện Thanh Chương chia sẻ, anh mua flycam từ năm 2016, có giá khoảng 30 triệu đồng. Với anh, sử dụng flycam vừa để phục vụ kinh doanh, vừa thỏa niềm đam mê công nghệ và nghệ thuật.

Lợi thế của flycam là bay cao, bay xa, giúp chụp và quay được những góc hình ấn tượng, độc đáo, mới lạ mà các thiết bị quay phim, chụp ảnh dưới mặt đất không thể thực hiện được. Cửa hàng của anh thường sử dụng flycam để thực hiện các bộ ảnh, video clip kỷ yếu, các sự kiện lớn ở địa phương.

Theo dõi trên nhiều trang Facebook cá nhân của các nhiếp ảnh gia có tiếng, hoặc các diễn đàn ảnh uy tín, không khó để nhận ra các bức ảnh flycam thường có lượng like (yêu thích) và share (chia sẻ) lớn hơn nhiều so với các bức ảnh với góc chụp thông dụng. Các bưu thiếp, tập gấp du lịch Nghệ An cũng thường ưu tiên chọn những tấm hình cảnh sắc từ flycam để mang lại hiệu quả thị giác tốt hơn.

Người dùng flycam ở Nghệ An đều vi phạm

Hiện có nhiều quy định pháp luật về quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, nhưng thực tế người dùng flycam - một trong những phương tiện bay siêu nhẹ, lại chưa mấy ai biết đến và chấp hành.

Một nhiếp ảnh gia xin được giấu tên cho biết, anh đã từng cho flycam “bay” ở biển Cửa Lò, ghềnh đá Nghi Thiết, cánh đồng hoa hướng dương và nhiều địa danh ở TP Vinh như Quảng trường Hồ Chí Minh, khu vực thành cổ, cầu Bến Thuỷ… nhưng không thấy ai nhắc nhở, ngăn cản.

Theo nhiếp ảnh gia này, thời điểm năm 2015, anh có nghe phong thanh về việc phải xin giấy phép mới được sử dụng flycam, nhưng nhìn quanh “giới” flycam ở Nghệ An thì chưa thấy ai làm thủ tục đó, cũng không thấy cơ quan, đoàn thể nào tuyên truyền, phổ biến cụ thể nên không tìm hiểu thêm!

Trên thực tế, Nghị định số 38/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đã quy định rõ người sử dụng phương tiện nói trên phải xin giấy phép của Cục Tác Chiến - Bộ Tổng Tham mưu mới được sử dụng.

Mới đây nhất, ngày 12/2/2017, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 35/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, hiện chưa có người dùng flycam nào ở Nghệ An được cấp giấy phép hoạt động. Nói cách khác, người dùng flycam trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đều vi phạm.

Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (số 1 Nguyễn Tri Phương, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) là nơi tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, thẩm định cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, các trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và cấp phép bay cho hoạt động bay thử nghiệm, khai thác tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Trường hợp không cấp giấy phép, Cục Tác chiến phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trung tá Nguyễn Trọng Nhâm - Trưởng Ban phòng không, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian trước có một số cơ quan báo chí, thông tấn Trung ương thực hiện sự kiện lớn ở Nghệ An được Bộ CHQS tỉnh đồng ý cho phép sử dụng flycam trong phạm vi tác nghiệp sự kiện, với độ cao quy định.

Việc “bay” không phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi đặc điểm phương tiện flycam là bay đường hàng không nhưng lại không cần đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật hàng không. Nếu chẳng may mất kiểm soát va chạm vào đường dây điện cao thế, kho chứa dầu, rơi xuống rừng vào mùa khô thì hậu quả rất nặng nề. Bên cạnh đó, không loại trừ một số đối tượng thù địch lợi dụng loại phương tiện này để thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Mong muốn được sử dụng flycam của người dân là chính đáng và pháp luật không cấm, tuy nhiên để lành mạnh, an toàn, cần phải tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật. Các flycam đang “bay” không phép hiện nay đều có thể bị các lực lượng chức năng yêu cầu ngừng hoạt động, thu giữ phương tiện và xử lý vi phạm tuỳ mức độ.

Điều 14, Thông tư số 35/2017/TT-BQP nêu, nhà khai thác vi phạm các quy định trong quản lý, hiệp đồng, điều hành hoạt động bay, thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN