Tiềm ẩn nguy cơ từ điện mặt trời quy mô nhỏ
Hầu hết các dự án điện mặt trời ở Việt Nam mới chỉ ở quy mô nhỏ có phần do các chính sách phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định.
» Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu đầu tư Công viên điện năng lượng mặt trời tại Nghệ An
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII. Riêng đối với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, đến năm 2030, phải đạt 12.000 MW. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức rất lớn cho ngành điện.
Cơ hội đang bị bỏ lỡ
Tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam – Xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi”, các chuyên gia cho rằng, hiện nay hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ, các nhà đầu tư chưa chú trọng vào các dự án điện mặt trời do các chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định. Cùng với đó, việc xây dựng cơ chế giá điện hợp lý sẽ để thúc đẩy các nhà đầu tư vào lĩnh vực này mạnh mẽ hơn.
Theo bà Hoàng Thu Hường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ủy ban Kinh tế Trung ương, việc ban hành cơ chế giá điện mặt trời (tại Quyết định số 11 của Chính phủ vào tháng 6 và có hiệu lực từ tháng 9/2017) cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến nguồn năng lượng này.
“Năng lượng tái tạo chưa thể là nguồn năng lượng thay thế, nhưng việc đặt những tấm pin năng lượng mặt trời trên các tòa nhà cho hiệu quả cao và đây cũng là nguồn năng lượng quan trọng, thiết thực và phù hợp với sự phát triển của nguồn năng lượng trong thời gian tới”, bà Hường nói.
Mặc dù đánh giá điện mặt trời ở Việt Nam được ưu đãi cao hơn nhiều so với các nước nhưng vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án điện mặt trời có công suất cao, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông Rainer Brohm, Công ty tư vấn Năng lượng tái tạo RB (Đức) nhận định: “Nếu bỏ lỡ cơ hội phát triển điện mặt trời thực sự là điều đáng tiếc đối với các nhà đầu tư trong nước, vì tiềm năng phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam là rất lớn”.
Việc phát triển các nguồn điện mặt trời quy mô nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không còn là “điện sạch”, nếu việc tích trữ điện bằng pin, ắc quy không được kiểm soát dễ ảnh hưởng tới môi trường. |
Xóa bỏ mối lo ngại về khả năng tác động đến môi trường của các tấm pin điện mặt trời nếu đầu tư các dự án lớn ở Việt Nam, ông Rainer Brohm cũng cho rằng, các tấm pin năng lượng mặt trời không có những nguy cơ gây hại đến môi trường giống như các nguồn nhiệt điện than.
“Pin mặt trời hoàn toàn không có tác động nào từ các tế bào quang điện đến môi trường cũng như sức khỏe. Không có khí phát thải nào ảnh hưởng đến môi trường khi sản xuất và sử dụng các tấm tế bào quang điện mặt trời”, ông Rainer Brohm cho biết.
Trong Bản đồ tiềm năng điện mặt trời được nghiên cứu bởi sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt vào khoảng 2056kWh/m2/năm, kéo dài suốt từ dải đất miền Trung đến khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, ông Koos Neefjes, chuyên gia về biến đổi khí hậu (Thuộc Công ty TNHH Ý thức khí hậu) cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên tranh thủ tìm kiếm các cơ hội đầu tư thật nhanh, nên có sự đầu tư vào Trung tâm năng lượng mặt trời.
“Có thể do việc sử dụng các nguồn điện giá rẻ như thủy điện ở Việt Nam còn nhiều nên cũng là một trong những thách thức khi chuyển đổi sang năng lượng mặt trời - nguồn điện cần phải đầu tư rất lớn. Về mặt thị trường, điện mặt trời cũng là một thách thức lớn nên Việt Nam cần phải tìm những con đường khác để tạo ra được thị trường năng lượng tái tạo với những hướng đi mới”, ông Koos Neefjes đề xuất.
Cơ chế chính sách cần mang tính dài hạn
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), việc mong muốn có được 12.000MW điện vào năm 2030 rất có thể đạt được, không còn nằm ở tiềm năng. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, theo ông Đỗ Đức Tưởng, đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), Việt Nam cần xây dựng các cơ chế ưu đãi mang tính lâu dài hơn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
“Việc xây dựng cơ chế giá cho điện mặt trời vẫn còn đang trong tầm ngắn hạn, chỉ trong khoảng 3 năm. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa rõ sau năm 2019, giá điện của Việt Nam sẽ như thế nào, có giảm đi hay không? Chính vì thế, các nhà đầu tư vẫn mong muốn Chính phủ đưa ra chính sách, cơ chế giá điện mang tính dài hạn hơn nữa, rút ngắn các thủ tục đăng ký cấp phép… để góp phần phát triển nhanh ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam”, ông Tưởng nói.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, giá điện mặt trời chỉ còn khoảng 3cent/kWh, bằng 1/3 giá điện mặt trời mà Việt Nam đang ưu đãi, là cơ hội để Việt Nam phát triển nguồn điện này, góp phần giảm xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi đầu tư nhanh các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu đáp ứng nhanh việc nối lưới để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện.
Việc phát triển các nguồn điện mặt trời quy mô nhỏ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không còn là “điện sạch”, nếu việc tích trữ điện bằng pin, ắc quy không được kiểm soát rất dễ ảnh hưởng tới môi trường, như việc nhiễm độc chì hay axit từ các nguồn thải pin, ắc quy hỏng sau một thời gian sử dụng.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|