Nghị lực vượt khó của cô tân sinh viên nghèo

12/09/2017 16:20

(Baonghean.vn) - Sinh ra không biết mặt cha, mẹ bỏ đi khi còn đỏ hỏn, 18 năm qua, em Nguyễn Thị Minh, ở phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) - tân sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội lớn lên bằng tình yêu thương, sự che chở của bà ngoại.

Men theo con ngõ nhỏ đầy sỏi đá, chúng tôi tìm đến gia đình em Nguyễn Thị Minh ở khối Thân Ái, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai khi mặt trời đã đứng bóng. Hỏi Minh, người dân ở làng biển này không ai không biết đến cô học trò mồ côi nhưng giàu nghị lực vượt khó.

Trong căn nhà cấp bốn thấp lè tè không có vật dụng gì đáng giá, Minh cùng bà đang ngồi tỉ mỉ sửa lại tấm lưới đánh ghẹ cho người dân trong xóm biển trước ngày ra Hà Nội làm thủ tục nhập học. Nói là nhà nhưng gian nhà chỉ rộng chừng hơn 15m² cũng vừa là nơi tiếp khách vừa là nơi hai bà cháu kê đủ một chiếc giường ngủ.

Em Nguyễn Thị Minh, cô học trò nghèo mồ côi vượt qua nghịch cảnh để đến với giảng đường - Ảnh: Nam Phúc
Em Nguyễn Thị Minh - cô học trò nghèo vượt qua nghịch cảnh để đến với giảng đường. Ảnh: Nam Phúc

Bà Hoàng Thị Định (60 tuổi), kể về tuổi thơ đầy bất hạnh của cháu ngoại: chị Nguyễn Thị Nhung - con gái bà lỡ làng khi mới 15 tuổi. Minh sinh ra không biết cha mình là ai. Cũng vì cuộc sống nghèo khó, chị Nhung bỏ lại đứa con còn khóc ngằn ngặt vì khát sữa cho ông bà ngoại từ đó đến giờ. Thương cháu thiếu vắng hơi ấm cha mẹ từ lọt lòng nên ông bà phải bươn chải làm thuê, ai mướn gì thì làm nấy để rau cháo qua ngày nuôi đứa cháu nhỏ. Thiếu sữa mẹ từ lúc lọt lòng nên đã hơn 18 tuổi nhưng dáng người Minh nhỏ bé, gầy yếu trông như học sinh cấp hai.

Năm Minh lên 10 tuổi, ông ngoại đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Đây cũng là thời gian khó nhọc nhất của hai bà cháu bởi bà Định vừa phải lo cuộc sống qua ngày vừa đi làm thuê từ phơi cá, đan lưới, đập hàu, cào ngao…để kiếm tiền nuôi cháu ăn học. Cũng vì lao lực nên những năm gầy đây bà Định mang nhiều thứ bệnh trong người, sức khỏe giảm sút.

Với Minh, bà ngoại vừa là người mẹ, người cha chăm chút từng giấc ngủ, bữa ăn. Dù cuộc sống hai bà cháu còn nhiều thiếu thốn nhưng Minh vẫn quyết tâm đến trường. Trong 12 năm học, bạn bè, thầy cô hiếm khi thấy Minh nghỉ học dù ngày nắng hay mưa. Thương bà cực nhọc, Minh rất ngoan ngoãn, chăm chỉ và tự lập sớm. Ngoài thời gian học ở trên lớp, hễ cứ về nhà là Minh lại phụ giúp bà làm các công việc trong nhà, đan lưới thuê.

Đáp lại sự kỳ vọng của bà, nhiều năm liền Minh đều là học sinh giỏi của trường, thị xã. Ngày biết tin mình thi đỗ khoa Luật kinh doanh, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng niềm vui không đủ xua đi nỗi âu lo với cô học trò 18 tuổi. Minh lén giấu đi tờ phiếu báo điểm, không cho bà ngoại biết.

Thấy cháu về nhà buồn bã, không ăn uống gì, bà Định gặng hỏi thì Minh mới òa khóc nức nở: “Cháu đỗ đại học rồi bà ơi, nhưng chắc cháu phải nghỉ học vì bà lấy đâu ra tiền để nuôi cháu ăn học nữa…!”. Hai bà cháu cứ thế ôm nhau khóc.

Biết tin Minh đỗ đại học nhưng không có khả năng làm thủ tục nhập học, bà con chòm xóm đã đến động viên tiếp sức để Minh đi học. Không phụ tấm lòng mọi người, Minh đã làm thủ tục nhập học tại Hà Nội và cho biết khi việc học ổn định, em sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí học tập.

"Sau này tốt nghiệp ra trường tôi mong muốn sẽ kiếm được một công việc để có thể tự lo cho bản thân mình và nuôi bà. Dù có khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ không bỏ cuộc bởi tôi tin rằng nếu mình có ước mơ, hoài bão và cố gắng kiên trì với con đường đã chọn thì mọi trở ngại đều vượt qua được. Chỉ có việc học mới thoát được đói nghèo”, Minh tâm sự.

Thầy Đỗ Văn Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An chia sẻ: “Minh là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trường lớp khi thiếu vắng hơi ấm cha mẹ từ khi lọt lòng, ở với bà ngoại già yếu nhưng bù lại Minh rất chăm ngoan, học giỏi và giàu nghị lực được thầy cô bạn bè quý mến. Có được thành quả đỗ đại học là cả một quãng thời gian chăm chỉ, miệt mài của Minh”.

Nam Phúc

TIN LIÊN QUAN