Tôn vinh và biết ơn người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung

15/09/2017 11:24

(Baonghean) - Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Dù, vua Quang Trung qua đời đột ngột vào ngày 29 tháng 7 âm lịch năm Nhâm Tý 1792 nên chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô.

Di tích Phượng Hoàng Trung Đô

Theo một số nhà nghiên cứu, tổ tiên của 3 anh em Tây Sơn vốn người làng Thái Lão (xã Hưng Thái, Hưng Nguyên). Trong những năm 1655 - 1660, dòng họ này gốc là họ Hồ, theo chúa Nguyễn vào ấp Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, nay là tỉnh Bình Định để khai hoang mảnh đất mới mở rộng. Vào đây, họ Hồ đổi thành họ Nguyễn, mấy đời sau sinh ra ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Biểu diễn trống đồng tại Lễ hội đền Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy
Biểu diễn trống đồng tại Lễ hội đền Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy

Năm 1771, Nguyễn Nhạc cùng với hai người anh em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ Đàng Trong. Sau đó, Nguyễn Huệ hai lần tiến quân ra Bắc, lần lượt đánh đổ chúa Trịnh và vua Lê.

Năm 1788, Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh xâm lược Bắc Hà, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, sáng nghiệp ra nhà Nguyễn Tây Sơn, rồi thần tốc kéo quân ra Bắc đánh đuổi ngoại xâm. Trên đường tiến quân, nhà vua đã cho dừng lại ở Nghệ An để mộ quân.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung nhìn thấy rõ thế chiến lược của vùng đất Nghệ An và lòng người xứ Nghệ, nên đã giao cho trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Rất tiếc, vua Quang Trung qua đời đột ngột vào ngày 29 tháng 7 âm lịch năm Nhâm Tý 1792 nên chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra, nhưng Phượng Hoàng Trung Đô vẫn là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn võ thuật tại Lễ hội đền Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy
Biểu diễn võ thuật tại Lễ hội đền Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy

Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết

Từ một cuộc khởi nghĩa nông dân phát triển thành một phong trào dân tộc, thắng lợi vẻ vang nhất của phong trào Tây Sơn là lật đổ nền thống trị của các thế lực phong kiến phản động, thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và tỏ lòng biết ơn vị anh hùng "áo vải", ngày 23/7/2004, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xây dựng Đền thờ Vua Quang Trung tọa lạc trên đỉnh thứ hai của núi Dũng Quyết có độ cao 97m so với mặt nước biển, thuộc vùng đất linh thiêng được vua Quang Trung từng chọn đóng đô cách đây hơn 200 năm.

Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim, lối đi, bờ vỉa, sân đền tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản. Đền có hai lối ra vào ở hai bên, chính giữa là nghi môn ngoại (nghi môn tứ trụ) được thiết kế kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái.

Tiếp đó là bình phong tứ trụ được dựng ngay trên trục chính đạo, được làm bằng đá chạm trổ rất công phu và đẹp. Hai bên bình phong khắc triện gấm, ở giữa là cuốn thư, trung tâm có hai chữ “Thọ Đế”. Phía trên nữa là hình rồng chầu mặt nguyệt, dưới cùng là chân quỳ dạ cá, chạm hổ phù. Hai bên có hai con nghê đứng chầu, tượng trưng cho vai trò người bảo vệ kiểm soát linh hồn người ra vào. Qua bình phong tứ trụ là hai nhà bia ngoảnh mặt vào nhau song song với trục chính đạo.

Nối tiếp là nhà tả vu, hữu vu. Qua khu vực này là nhà bái đường rộng lớn còn gọi là tiền đường, nơi để sửa soạn lễ, chỉnh trang trước khi hành lễ. Nhà Tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi đền được thiết kế theo lối kiến thúc dân gian Việt Nam gồm ba gian, hai chái, với bốn hàng cột. Công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008.

Học sinh đến tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Vua Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy
Học sinh đến tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Vua Quang Trung. Ảnh: Thanh Thủy

Hàng năm, tại Đền thờ vua Quang Trung có các ngày lễ quan trọng như giỗ Vua Quang Trung ngày 29 tháng 7 âm lịch; ngày 5/1 âm lịch kỷ niệm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; ngày 1/10 dương lịch kỷ niệm ngày vua Quang Trung ban chiếu chỉ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Lễ giỗ Hoàng Đế Quang Trung

Bắt đầu từ 7h00’, ngày 19/9/2017, tức ngày 29/7 âm lịch

Địa điểm: Tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung

- Từ 6h00’ - 6h30’: Lễ tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung và các anh hùng nghĩa sỹ nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng quê hương đất nước giành độc lập cho dân tộc.

- Từ 6h30’ - 6h45’: Dâng hoa, tiến cỗ

- Từ 6h45’ - 7h30’: Lễ tế

- Từ 7h30’ - 8h00’: Biểu diễn võ thuật và hát văn ca ngợi Hoàng đế Quang Trung.

- Từ 8h’00’ - 8h05’: Khai mạc giới thiệu đại biểu

- Từ 8h05’ - 8h15’: Đọc diễn văn buổi lễ

- Từ 8h15’ - 8h35’: Các đoàn đại biểu dâng hương

- Từ 21h30’ - 22h00’: Lễ tạ


Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN