Nghĩa Đàn: Giữ vững quy mô trường lớp, nâng chất lượng đạt chuẩn
(Baonghean) - Từ khởi đầu khó khăn của những ngày đầu mới chia tách huyện, sau gần 10 năm, giáo dục Nghĩa Đàn đã có những bước chuyển mình vô cùng quan trọng.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Có dịp đi kiểm tra, thẩm định các điều kiện, tiêu chí giáo dục tại các địa phương, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn và cố gắng của cấp ủy chính quyền các xã cho đến các bậc phụ huynh huyện Nghĩa Đàn trong việc chăm lo cơ sở vật chất giáo dục.
Những ngày đầu mới chia tách huyện, không chỉ các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn mà chính các xã nông trường, thị trấn cũng khó khăn do trường lớp được đầu tư từ lâu, nay xuống cấp hàng loạt. Đã vậy, theo quy định mới, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đầu tư thêm nhiều thiết bị, phòng học chức năng khiến khó khăn về cơ sở vật chất càng tăng lên. Thời điểm năm 2008, toàn huyện chỉ có 14/69 trường, trong đó chủ yếu là trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia, còn lại là dưới chuẩn rất xa.
Trao thưởng, vinh danh các cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2016-2017. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tuy nhiên, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện, sự đồng lòng chung sức của các bậc phụ huynh, cơ sở vật chất cho giáo dục Nghĩa Đàn từng bước được đầu tư cải thiện. Bình quân mỗi năm huyện dành khoảng 10 tỷ đồng để nâng cấp trường, lớp. Ngoài ra, thông qua hoạt động xã hội hóa, bình quân mỗi năm, các nhà trường huy động từ 8-10 tỷ đồng để nâng cấp phòng học, trang bị thêm các trang thiết bị, phòng chức năng. Đặc biệt, vài năm lại đây, bình quân mỗi năm huyện huy động đầu tư trên 30 tỷ đồng để xây dựng mới, tu sửa hàng chục phòng học...
Nhờ đó, từ năm 2010 lại đây, đã có trên 46 trên tổng số 69 trường được công nhận hoặc công nhận lại đạt chuẩn quốc gia, trong đó 1/3 trường là công nhận lại, còn 2/3 là công nhận mới; đạt tỷ lệ 66,7%, cao hơn so với bình quân chung toàn tỉnh.
Giờ chào cờ đầu tuần của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải |
Chăm lo đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại trà cũng như mũi nhọn, phòng Giáo dục tham mưu cho huyện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từ khâu tuyển dụng đến tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Thực hiện nghiêm việc đánh giá xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; đồng thời tham mưu để huyện sắp xếp, bố trí giáo viên hợp lý, đủ số lượng, phù hợp với năng lực và trình độ.
Đến nay, ngoài việc xét tuyển thêm 63 giáo viên, huyện đang thực hiện nghiêm chính sách luân chuyển, thuyên chuyển giáo viên và cán bộ quản lý theo quy định; tích cực triển khai đề án quy hoạch bồi dưỡng cán bộ ngành giáo dục giai đoạn mới; kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn… Hiện tại, trong tổng số 1.887 cán bộ giáo viên và nhân viên toàn huyện, có 100% cán bộ giáo viên từ mầm non đến THCS đã đạt chuẩn, cán bộ quản lý trên chuẩn 100% và giáo viên trên chuẩn chiếm 86,3%.
Các đại biểu tham quan, thẩm định đạt chuẩn quốc gia Trường THCS Phú -Thọ (Nghĩa Phú và Nghĩa Thọ). Ảnh: Nguyễn Hải |
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và hoàn thành phổ cập giáo dục, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội đoàn thể tổ chức Tháng khuyến học, Tết Khuyến học, Tiếp sức đến trường…, thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở), động viên kịp thời học sinh, sinh viên, nhất là các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Ngoài ra, hưởng ứng chương trình Sữa học đường, Nghĩa Đàn đã triển khai tích cực và có trên 84% học sinh mầm non và tiểu học tham gia, kinh phí trên 8 tỷ đồng.
Nhờ được sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy chính quyền và nhất là vai trò tham mưu của ngành giáo dục, những năm gần đây chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn được nâng lên đáng kể. Cùng với thành tích 46/69 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 2/2 Trường THPT đạt chuẩn và trường Tiểu học thị trấn đạt chuẩn mức độ 2, năm học 2016-2017, có thêm 17 trường được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, nâng tổng số lên 33 trường đạt, chiếm tỷ lệ 49,3%; năm 2017 huyện được công nhận đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 trước 2 năm; trên 98% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT; bình quân điểm tuyển sinh vào lớp 10 THPT đạt 25,7 điểm, tăng 2 điểm so với năm trước.
Về giáo dục mũi nhọn, tại Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học có 5 em đạt trên 28 điểm; toàn huyện 287 em học sinh giỏi cấp huyện, 42 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh và sân chơi trí tuệ cấp tỉnh. Với thành tích trên, nhiều tập thể và cá nhân của ngành được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, Bằng khen.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục
Bên cạnh những thành tích và ưu điểm, bước vào năm học mới 2017-2018, theo thầy Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Nghĩa Đàn, công tác giáo dục của huyện nhà vẫn còn không ít ưu tư, trăn trở. Hiện nay, mặc dù huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao so với bình quân chung của tỉnh và cao so một số huyện khác nhưng so với tiềm năng của một huyện miền núi thấp thì vẫn chưa tương xứng. Vẫn còn 23 trường chưa đạt chuẩn, đồng nghĩa với áp lực về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất mà huyện sẽ phải giải quyết trong thời gian tới.
Hiện tại, có một thực tế là nhiều trường phòng còn thiếu và xuống cấp; một số địa phương chưa đủ phòng học để huy động hết trẻ mầm non 3-4 tuổi đến lớp theo nhu cầu; hệ thống các trường đạt chuẩn quốc gia luôn đứng trước nguy cơ mất chuẩn; huyện vẫn chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2... Cá biệt, xã Nghĩa Lộc chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, một số địa phương tỷ lệ huy động học sinh 3- 4 tuổi vào mẫu giáo còn thấp; tình trạng học 2 ca ở 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn vẫn còn. Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn bất cập, giáo viên dạy giỏi tỉnh chưa nhiều; đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều, toàn huyện thiếu khoảng 30 người và nếu nghỉ chế độ thì thiếu bình quân 3- 4 cô/trường.
Tiết dạy thao giảng theo đổi mới phương pháp dạy học tại Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải |
Thầy Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Xác định được những khó khăn, tồn tại trên, bước vào năm học mới, ngành giáo dục huyện sẽ tập trung và quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Trước mắt, ngành sẽ bám tinh thần chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy để tập trung, tăng cường cơ sở vật chất để xóa tình trạng học 2 ca trong năm học này, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Về lâu dài, để giữ vững chất lượng các trường đã đạt chuẩn và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, ngành sẽ đồng hành cùng địa phương để thực hiện lộ trình đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Sắp tới, để huy động nguồn lực xã hội hóa vào xây dựng cơ sở vật chất, ngành sẽ chú trọng phát huy hơn nữa dân chủ hóa trong trường học, tăng cường quản lý khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội hóa; phấn đấu năm 2017 - 2018 có thêm 4 trường đạt chuẩn Quốc gia, 100% trường tự đánh giá và 14 trường được đánh giá về kiểm định chất lượng giáo dục.
Nguyễn Hải