Thế giới tuần qua: Quyền lực và tội lỗi
(Baonghean) - Tuần qua, dư luận thế giới chú ý nhiều đến diễn biến xoay quanh 2 phiên tòa xét xử những nhân vật đã và đang nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế tại các nước.
Tuy nhiên, trong khi phía người thừa kế Tập đoàn Samsung sẽ kháng lại mức án 5 năm tù liên quan đến vụ bê bối chấn động xứ kim chi, thì phiên tòa kia phải hoãn lại ngày khác vì sự biến mất đột ngột của bị cáo - nữ Thủ tướng đầu tiên và trẻ tuổi nhất Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae-yong rời tòa hôm 25/8 . Ảnh AFP |
Bê bối từ chiếc máy tính bảng
Ngày 25/8, Lee Jae-yong - người thừa kế của Tập đoàn Samsung bị tòa tuyên án 5 năm tù về tội danh hối lộ và tham nhũng, nối dài thêm danh sách những cái tên dính vào vụ bê bối chấn động Hàn Quốc, định hình lại các hoạt động chính trị và làm xáo trộn giới tinh hoa của nước này, thậm chí còn át luôn cả nỗi quan ngại về các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.
Mọi chuyện đều bắt đầu từ khi chiếc máy tính bảng của Choi Soon-sil rơi vào tay của báo giới, và họ sớm phát hiện bằng chứng rằng bà Choi, một người bạn thân kiêm cố vấn phi chính thức của Tổng thống Hàn Quốc khi ấy là Park Geun-hye, đã được nhận các văn kiện mật và can thiệp vào các công việc của đất nước. Dù chưa từng giữ chức vụ chính thức nào, song các nguồn tin tiết lộ rằng Choi Soon-sil có quyền tiếp cận trước với các bài diễn văn và các tài liệu khác của chủ nhân Nhà Xanh.
Phát hiện chấn động này dẫn đến kết quả là hồi tháng 6, một tòa án tại Seoul đã tuyên phạt bà Choi 3 năm tù giam về tội danh cản trở việc thực thi công vụ bằng cách sử dụng tầm ảnh hưởng để “trục lợi” thành tích học tập cho con gái tại Đại học Ewha. 2 viên chức của trường đại học này cũng lần lượt lĩnh 18 và 24 tháng tù giam.
Sau khi ngôi sao may mắn của Choi Soon-sil vụt tắt, người “bảo trợ” cho bà ta và cũng là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Bất chấp cái rét cắt da cắt thịt giữa mùa đông, hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc vẫn đổ xuống đường biểu tình yêu cầu “hất cẳng” bà Park. Sau vài tháng nỗ lực xoa dịu tình hình bằng những lần xuất hiện trên sóng truyền hình, đưa ra những lời xin lỗi mơ hồ, bày tỏ sự hối hận vì đã “khiến người dân lo lắng”, bà Park đã bị Quốc hội Hàn Quốc thông qua luận tội hồi tháng 12 năm ngoái với 234 phiếu thuận/56 phiếu chống.
Ngày 10/3, tòa án tối cao của nước này bảo lưu luận tội, đồng nghĩa với đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của bà Park và khởi xướng những cuộc ăn mừng lớn ở Seoul. 2 tháng sau đó, các công tố viên mở cuộc điều tra các cáo buộc nhằm vào bà Park như tham nhũng, ép buộc và rò rỉ thông tin mật. Cựu tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ những tội danh này, song dư luận vẫn phải chờ đợi phán quyết cuối cùng vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, cơn bão chính trị lớn ở Seoul đã đẩy đảng Saenuri của bà Park vào thế chia rẽ, phe bảo thủ mất dần ưu thế và rốt cuộc nhường chỗ cho nhà cải cách phe tự do Moon Jae-in lên nắm quyền hồi tháng 5.
Với người dân Hàn Quốc, tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu mỗi kỳ bầu cử, nhiều người không ngần ngại mà chỉ ra mối quan hệ gần gũi giữa các thành viên trong giới tinh hoa chính trị của đất nước với các chaebol - những tập đoàn gia đình trị lớn như Samsung hay Lotte có tầm chi phối không nhỏ đến nền kinh tế Hàn Quốc.
Vụ bê bối hạ bệ bà Park và Choi cũng đã nhanh chóng “càn quét” những doanh nghiệp này, và giới điều hành cấp cao của cả 2 tập đoàn đều phải ra trước vành móng ngựa. Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin bị buộc tội hối lộ hồi tháng 4, và gần đây nhất người thừa kế của Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong cũng nhận mức án 5 năm tù. Trước tòa, cơ quan công tố nhận định Lee là một “ông trùm” ma mãnh, biết chính xác việc mình đang làm là gì khi Samsung chi hàng chục triệu USD cho các thực thể có liên quan đến một người bạn thân của bà Park. Tuy vậy, Lee phủ nhận mọi sai phạm, và các luật sư của ông ta khẳng định sẽ kháng án.
Những nỗ lực trước đây nhằm trấn áp nạn tham nhũng liên quan đến các chaebol đều không mấy thành công do tuyên án quá nhẹ hoặc những đợt ân xá chính trị, nhưng trong chiến dịch vận động tranh cử, đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hứa sẽ căn cứ vào thực tế tình hình, nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc thiết lập sự công bằng trước pháp luật” đối với mọi công dân Hàn Quốc.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chào người ủng hộ khi rời Tòa án Tối cao hôm 21/7. Ảnh AFP |
Cựu Thủ tướng Thái Lan chạy trốn?
Sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014, từ năm 2015 cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bị cấm rời Thái Lan nếu không có sự chấp thuận của tòa. Bà có khả năng phải đối diện với mức án lên đến 10 năm tù giam về tội lơ là trách nhiệm với kế hoạch trợ giá gạo, khiến đất nước thiệt hại hàng tỷ USD.
Trước đó, năm 2011, chương trình trợ giá gạo ra đời, cam kết thanh toán cho người nông dân mức giá cao hơn so với thị trường. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng đây là sự lãng phí công quỹ để làm hài lòng cử tri nông thôn, gây tổn thất cho xuất khẩu và khiến Chính phủ thừa gạo dự trữ, nhưng muốn bán phải chịu lỗ. Yingluck khẳng định chương trình trợ giá gạo “đem lại lợi ích cho nông dân và đất nước”, và rằng những tuyên bố khẳng định chương trình gây thất thoát tiền của là sai và được “châm ngòi” nhờ những kẻ có thiên hướng chính trị chống lại bà.
Năm 2016, bà từng cam kết sẽ tham dự đầy đủ phiên tòa và không rời khỏi đất nước, thế nhưng, ít ngày trước, nhiều hãng truyền thông lần lượt đưa tin một nguồn tin cấp cao trong đảng Pheu Thai tiết lộ rằng bà Yingluck đã rời Thái Lan và sang Dubai 2 ngày trước khi tòa án nước này ra phán quyết về vụ án trợ giá gạo.
Nguồn tin khẳng định bà Yingluck đã rời đi hôm 23/8 và hiện “bình an vô sự” tại Dubai, dù đáng lẽ ra bà phải xuất hiện trong phiên tòa ngày 25/8. Tại phiên điều trần, luật sư của Yingluck nói rằng bà bị ốm, song không trình được giấy chứng nhận của bác sỹ. Lời giải thích bị bác bỏ và Tòa án Tối cao Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ người phụ nữ này và dời lịch diễn ra phiên tòa đến ngày 27/9.
Điều này đặt ra cho dư luận không ít nghi vấn, rằng phải chăng Yingluck đã “theo chân” người anh trai Thaksin - cũng từng là Thủ tướng Thái Lan và hiện đang sống lưu vong ở Dubai hoặc London để tránh bị buộc tội tham nhũng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, cảnh sát Thái Lan vẫn khẳng định không có hồ sơ chính thức nào chứng minh bà Yingluck đã rời đi, nhưng “có khả năng” bà đã trốn chạy thông qua một khu vực biên giới tự nhiên sang một quốc gia láng giềng.
Rõ ràng sự biến mất bí ẩn của bà Yingluck là “ngạc nhiên lớn” đối với hầu hết người dân Thái Lan và đồng thời sẽ khiến chính quyền quân sự của nước này thêm phần “hăng hái”, như nhận định của nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định ít có khả năng xảy ra bất ổn tại Thái Lan sau thông tin này, nhưng có lẽ để đề phòng, lực lượng cảnh sát đã triển khai 3.000 người để bảo vệ trong trường hợp nổ ra biểu tình.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|