Cuộc sống của 1 trong 5 dân tộc ít người ở Việt Nam
(Baonghean) - Dân tộc Ơ đu còn được biết đến với tên gọi Tày Hạt. Theo giải nghĩa của đồng bào, Ơ đu tiếng Thái nghĩa là “thương lắm”, “tội lắm”; còn Tày Hạt nghĩa là “người đói rách”.
Chẳng ai nhớ nổi định danh tộc người này có tự bao giờ, chỉ biết rằng, nếu như hàng trăm năm về trước, cuộc sống vất vả, nghèo đói là đặc điểm nhận diện người Ơ đu thì đến nay vẫn không có gì thay đổi. Người Ơ đu vẫn rất nghèo và đang đối mặt với nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá.
Học sinh đồng bào dân tộc Ơ đu trên đường đến trường. Ảnh: Phước Anh |
Cuộc sống nơi quê mới
Dân tộc Ơ đu là 1 trong 5 dân tộc rất ít người ở Việt Nam và hiện sinh sống phần lớn ở huyện Tương Dương. 11 năm về trước, đến với đồng bào dân tộc Ơ đu phải ngồi thuyền đuôi én, vượt dòng Nậm Nơn, qua hàng chục con thác hung dữ. Đến năm 2006, hưởng ứng lời kêu gọi di dân theo chương trình tái định cư, phục vụ công trình Thuỷ điện Bản Vẽ, 308 người Ơ đu sinh sống ở 8 bản, 4 xã: Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương cùng về xây dựng cuộc sống mới ở bản Văng Môn, xã Nga My. Nay, dân số người Ơ đu ở Văng Môn đã là 418 người, 100 hộ. Đường vào quê mới của đồng bào Ơ đu rất thuận lợi, trên 60km đường rải nhựa nối từ trung tâm huyện vào tận chân bản.
Chị Mạc Thị Tím - Trưởng bản Văng Môn vừa dẫn chúng tôi đi thăm bản, vừa kể chuyện. Về nơi ở mới, bà con Ơ đu rất phấn khởi. Bản nằm sát đường, giao thông, giao thương đều thuận tiện, dễ dàng. Nhờ vậy, trẻ con Ơ đu chăm đi học hơn trước, toàn bản hiện có 26 trẻ mầm non, 41 cháu tiểu học, khoảng 25 cháu học THCS - THPT và 12 cháu đang học đại học. “Hơn chục năm trước, đường xa, nhà nghèo, các cháu nhăm nhe bỏ học suốt, làm gì dám mơ đến kết quả này” - chị Tím cười bảo.
Thế nhưng nơi ở mới cũng nảy sinh nhiều khó khăn. Mấy chục nóc nhà sàn tái định cư xây bằng xi măng, cốt thép, ngói đỏ, sơn màu vàng choé im lìm khoá cửa, hầu hết người dân tự dựng một ngôi nhà lá kế bên để ở. “Ở nhà xây không quen, nóng lắm, bà con lại có thói quen đun nấu trong nhà nữa nên rất bí, không thở được” - chị Tím nói. Nữ trưởng bản dẫn chúng tôi đến nhà ông Lo Đại Tình - một trong những hộ vừa thoát nghèo của bản. Không dựng nhà lá, nhưng cả gia đình cũng chẳng ai lên gian trên để ở mà kiếm tranh, nứa về thưng 4 vách dưới chân nhà sàn rồi quây quần dưới đó.
Hộ ông Tình có 6 miệng ăn, trong đó có 4 con, cháu đang tuổi đi học. Ông Tình đã hơn 60 tuổi, vợ mù loà từ bao năm nay cần có sự chăm sóc của người khác. Hàng năm cả nhà trông chờ vào mấy mảnh ruộng ngô, sắn, thu nhập năm 2016 chỉ nhỉnh hơn chỉ tiêu hộ nghèo một chút. “Thoát nghèo nhưng cũng chỉ như hộ nghèo thôi mà, vẫn khổ lắm. Nhà có 4 đứa đang ở độ tuổi đi học, nhiều thứ phải mua, phải lo. Năm nay lại sợ tái nghèo” - ông Lo Đại Tình nói.
Thiếu đói là nỗi lo chung của nhiều hộ dân Ơ đu. Mấy năm trước, việc cấp gạo hỗ trợ từ Thuỷ điện Bản Vẽ cho bà con sau tái định cư đã hết, trong khi trồng lúa ở đất này không cho thu hoạch đáng kể. “Ví dụ gieo 1 tấn giống thì có khi chưa được 1 tạ lúa. Đất này không trồng được lúa, chỉ chịu ngô, sắn thôi, nhưng ở bản tái định cư này đất chia có hạn nên muốn làm nhiều hơn cũng chịu” - Trưởng bản Mạc Thị Tím giãi bày. Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch xã Nga My thì đưa ra con số cụ thể hơn: Tỷ lệ hộ nghèo ở Văng Môn hiện nay là 80%, thu nhập trung bình khoảng 2 - 3 triệu đồng/ người/ năm, 1 năm thiếu đói đến 6 tháng!
Cả bản chỉ 2 người biết nói tiếng Ơ đu
Không dễ để tìm được một người già thông hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc Ơ đu ngay chính tại nơi quần cư của tộc người này. Cuộc sống quá khó khăn, tuổi thọ của người Ơ đu thấp hơn so với các dân tộc khác trên địa bàn. Tiếng nói của người Ơ đu dần theo người già “về trời”, nay cả bản chỉ còn 2 người biết tiếng Ơ đu. “Nhưng tôi cũng chỉ biết tầm 30 - 40% thôi, nói chuyện bằng tiếng Ơ đu vẫn phải thêm tiếng Thái, tiếng Việt vào” - ông Lo Thanh Bình (SN 1948) - 1 trong 2 người biết tiếng Ơ đu cho biết.
Ngoài ra, phong tục, tập quán của người Ơ đu nay giữ lại không còn nhiều. Người Ơ đu có lễ mừng tiếng sấm “chăm phtrong” khoảng vào tháng 1, tháng 2 hàng năm; món ăn đặc trưng phải có trong mâm cúng lễ Tết là pá bọc và rượu lậu sả thô. Dân bản Văng Môn cho biết, họ không có nhạc cụ riêng biệt; không có dân ca, dân vũ; còn trang phục thì chỉ nhớ mang máng kiểu dáng vì đã lâu rồi không có ai may mặc. Giờ, giao tiếp và thói quen sinh hoạt hàng ngày của người Ơ đu tương tự người Thái, người Việt.
“Thanh niên trong bản bây giờ không có ai biết nói tiếng Ơ đu đâu. Chúng nó lớn lên đi học, đi làm ăn xa hết. Người Ơ đu chỉ có 1 họ là họ “Lo”, người trong họ không được lấy nhau nên con dâu, con rể của bản đều là người Thái, người Khơ mú. Phong tục, tập quán vì thế cũng không giữ được” - Trưởng bản Mạc Thị Tím nói. Ngay như trưởng bản Tím cũng là người Thái, về làm dâu Ơ đu hơn 20 năm về trước. Trong nhà chị cũng không ai biết nói tiếng Ơ đu, chị chỉ tìm được một bộ trang phục của ông bà xưa để lại và gìn giữ như vật gia truyền để nhắc nhở cháu con.
Bí thư Chi bộ bản Văng môn trong trang phục truyền thống của người Ơ đu. Ảnh: Cảnh Nam |
Khôi phục và thực hành tiếng nói người Ơ đu là mong mỏi của nhiều người già ở bản. Được biết, nhiều năm về trước, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Tương Dương tổ chức 2 lớp dạy tiếng cho người dân Ơ đu nhưng do khó khăn về kinh phí và tuyển chọn người dạy nên chưa được triển khai thường xuyên, liên tục. Mới đây nhất, ngày 22/8/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025, khái toán bước đầu 120 tỷ đồng.
Ông Trần Nhật Phương - Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện đề án đang chờ nguồn vốn. Khó nhất hiện nay là bảo tồn tiếng nói của người Ơ đu, dự kiến sẽ mời người Ơ đu ở nước bạn Lào sang truyền dạy. Chưa triển khai cụ thể, nhưng bước đầu thông tin này cũng đang thắp lên hy vọng cho hàng trăm đồng bào Ơ đu về những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hoá trong tương lai không xa./.
Phước Anh - Cảnh Nam
TIN LIÊN QUAN |
---|