5 'vị thần chiến tranh' đáng sợ nhất của pháo binh Nga

20/09/2017 07:50

Quân đội Nga sở hữu nhiều tổ hợp pháo với tầm bắn xa và sức hủy diệt lớn, được mệnh danh là các "vị thần chiến tranh".

Pháo 2S7 bắn biểu diễn với đạn mã tử

Pháo binh có nhiệm vụ làm mềm chiến trường, chuyên bắn chế áp hoặc hủy diệt vị trí đối phương để tạo điều kiện cho bộ binh và tăng thiết giáp chiếm lĩnh trận địa. Quân đội Liên Xô và Nga dành sự quan tâm đặc biệt cho pháo binh, biến đây thành lực lượng có sức hủy diệt lớn với độ chính xác cao, từng được nhà lãnh đạo Stalin gọi là "các vị thần chiến tranh".

Quân đội Nga hiện vẫn biên chế hoặc niêm cất nhiều hệ thống pháo có uy lực đáng sợ trên chiến trường, theo Sputnik.

2S7 Pion và 2S7M Malka

2S7 Pion (NATO định danh: M-1975) là pháo tự hành cỡ lớn được phát triển trong Chiến tranh Lạnh. Vào thập niên 1970 và 1980, cả Liên Xô và Mỹ đều tìm phương án hiệu quả để tiêu diệt lượng lớn quân địch ở khoảng cách tương đối ngắn, sử dụng đầu đạn hạt nhân sức công phá thấp.

"Với Liên Xô, vũ khí có thể đáp ứng yêu cầu này là pháo tự hành 2S7 Pion và bản nâng cấp 2S7M Malka", chuyên gia quân sự Andrei Kotz cho biết. Tổ hợp 2S7 gồm một pháo 2A44 cỡ nòng 203 mm đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-80.

Khi được biên chế vào năm 1976, Pion trở thành loại pháo thông thường có uy lực lớn nhất thế giới. Ngoài đầu đạn hạt nhân, 2S7 có thể bắn đạn pháo nổ mảnh ZFO-35 để tiêu diệt mục tiêu mềm như binh sĩ và khí tài không bọc giáp. Một số chuyên gia quân sự nhận định loại pháo này mạnh không kém các khẩu pháo khổng lồ trên thiết giáp hạm thời Thế chiến II.

5-vi-than-chien-tranh-dang-so-nhat-cua-phao-binh-nga

Tổ hợp pháo tự hành 2S7 Pion. Ảnh: Army Recognition.

2S7 có tầm bắn 37,5 km nếu sử dụng đạn thông thường, con số này sẽ tăng lên 55,5 km nếu trang bị đạn tăng tầm bằng rocket (RAP). Nhờ tầm bắn lớn, kíp vận hành có thể bắn một hoặc hai phát, sau đó cơ động rời vị trí trước khi đạn rơi xuống mục tiêu. Điều này giúp 2S7 khó bị đánh trả, nhất là từ đối phương được trang bị hệ thống phát hiện và định vị phản pháo.

Một đặc điểm độc đáo của Pion và Malka là hệ thống cảnh báo khai hỏa. Sức ép từ mỗi phát bắn rất lớn, đủ sức gây choáng, vô hiệu hóa bất cứ binh sĩ nào ở khoảng cách gần và không chuẩn bị trước. Vì vậy, tổ hợp này sẽ phát cảnh báo bằng loa trong vòng 5 giây trước khi khai hỏa.

Bản nâng cấp 2S7M xuất hiện vào năm 1983 với cải tiến ở hệ thống điều khiển hỏa lực để tăng độ chính xác. Tốc độ bắn được tăng lên 2,5 phát/phút và cơ số đạn dự trữ nhiều gấp đôi so với mẫu 2S7 nguyên gốc. Quân đội Nga hiện còn 300 khẩu 2S7 và 2S7M trong tình trạng niêm cất, sẵn sàng sử dụng khi có yêu cầu.

2S4 Tyulpan

Cối tự hành 2S4 Tyulpan (hoa tulip) cũng mang định danh NATO là M-1975, được Liên Xô đưa vào biên chế từ thập niên 1970.

Uy lực chính của 2S4 nằm ở khả năng sử dụng nhiều loại đạn cối cỡ 240 mm, từ đạn nổ mạnh (HE), đạn cháy, đạn chùm và đạn thông minh. Vào thời Chiến tranh Lạnh, cối 2S4 có khả năng bắn đạn hạt nhân với sức mạnh tương đương 2.000 tấn thuốc nổ TNT. Khả năng bắn đạn ở góc cao cho phép 2S4 khai hỏa từ vị trí kín, tránh bị phát hiện và tiêu diệt được mục tiêu nấp sau công sự hay sườn núi khuất.

Cối tự hành 2S4 Tyulpan tập bắn đạn thật

Tyulpan tham chiến lần đầu trong chiến dịch can thiệp quân sự của Liên Xô tại Afghanistan. Khả năng cơ động cao cho phép hệ thống này di chuyển cùng đội hình thiết giáp trên địa hình phức tạp, hỗ trợ cho các đợt tấn công của lục quân. Đạn cối 240 mm đã tiêu diệt hàng loạt mục tiêu ẩn nấp trong chiến dịch này.

2S31 Vena

Cối tự hành 2S31 Vena là sản phẩm tương đối mới, được quân đội Nga đưa vào biên chế trong năm 2010. Tổ hợp này được phát triển nhờ kinh nghiệm trong cuộc chiến tại Afghanistan, khi cối tự hành hạng nhẹ 2S9 Nona được lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô tận dụng tối đa.

Bộ Quốc phòng Nga quyết định phát triển tổ hợp cối tự hành mới cho lục quân với nguyên lý tương tự 2S9, dựa trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3. So với 2S9, mẫu 2S31 Vena có mức độ tự động hóa cao hơn hẳn. Mỗi tổ hợp 2S31 được trang bị một máy tính điều khiển hỏa lực có khả năng thu phát dữ liệu phần tử bắn. Tháp pháo có thiết bị trinh sát quang-điện tử và nhận diện mục tiêu, rút ngắn quá trình chuẩn bị bắn.

5-vi-than-chien-tranh-dang-so-nhat-cua-phao-binh-nga-1

Tổ hợp pháo 2S31 Vena. Ảnh: Wikipedia

Thông tin sẽ hiển thị trên màn hình trước mặt trưởng xe. Người này chỉ cần chọn một trong 30 mục tiêu được lưu trong máy tính, hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ tự động ngắm bắn. Nếu có mục tiêu mới bất ngờ xuất hiện, 2S31 chỉ cần 20 giây để nạp dữ liệu và sẵn sàng khai hỏa.

2S31 Vena có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau với cỡ nòng 120 mm, giúp nó trở thành vũ khí hấp dẫn cho thị trường xuất khẩu.

BM-30 Smerch

Tổ hợp BM-30 Smerch được biên chế cho quân đội Liên Xô từ năm 1987. Khi đó, nó là mẫu pháo phản lực phóng loạt mạnh nhất trên thế giới. Đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất thế giới, được bổ sung thêm khả năng phóng máy bay không người lái 9M534 tới khu vực mục tiêu.

Mỗi xe phóng đạn BM-30 được trang bị 12 ống phóng cỡ nòng 300 mm. Loại đạn 9M55 tiêu chuẩn của Smerch dài 7,6 m và nặng 800 kg. Tầm bắn của hệ thống đạt 20-70 km, phiên bản đạn 9M528 có tầm bắn tới 90 km.

Tổ hợp BM-30 Smerch tham gia diễn tập

Các quả đạn đều có hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn để tăng độ chính xác. BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp, đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn.

Tổ hợp này đặc biệt hiệu quả đối với các nhóm quân tập trung, xe thiết giáp, khẩu đội pháo binh, sân bay và mục tiêu tản mát của đối phương. Một loạt phóng 12 đạn của BM-30 có thể bao phủ diện tích tới 67 hecta. Đôi khi Smerch còn được gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, bởi đầu đạn chống bộ binh của nó có thể tiêu diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN