Người dân cần bỏ tâm lý 'mỳ ăn liền' khi đi xuất khẩu lao động

11/09/2017 20:55

(Baonghean.vn) - Ông Hồ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Dich vụ việc làm Nghệ An, cho rằng: Chính từ tâm lý thích “mì ăn liền” của người lao động, muốn làm thủ tục và xuất cảnh nhanh đã tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để lừa đảo xuất khẩu lao động.

Chiều 11/9, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An theo chương trình giám sát việc thực hiện các chính sách xuất khẩu lao động..

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định, từ năm 2010 đến nay, trung tâm được giao thêm nhiệm vụ đào tạo, giới thiệu, cung ứng lao động cho các thị trường trong nước và ngoài nước. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã giới thiệu và cung ứng lao động được 11.383 lao động; trong đó giới thiệu và cung ứng thị trường lao động ngoài nước là 1.263 người.

Mặc dù Nghệ An là tỉnh có tiềm năng lao động dồi dào, nhưng việc tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động, theo ông Hồ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, hiện nay rất khó khăn. Nguyên nhân là trên địa bạn tỉnh có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động, tạo canh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, thị trường lao động Hàn Quốc, ngoài việc không tuyển lao động đối với 11 huyện trên địa bàn tỉnh thi nhu cầu lao động ở nước này cũng đã sụt giảm đáng kể (từ 10.000 – 15.000 lao động mỗi năm thì nay chỉ còn khoảng 3.500 lao động).

Ông Hồ Hùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, cho rằng, chính tam lỳ
Ông Hồ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, cho rằng, chính tâm lý "mì ăn liền" của người lao động dẫn đến một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để lừa xuất khẩu lao động. Ảnh: Minh Chi.

Cũng theo ông Hồ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, ngoài cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp làm xuất khẩu lao động thì chính từ tâm lý thích “mì ăn liền” của người lao động, muốn làm thủ tục và xuất cảnh nhanh đã tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để lừa đảo xuất khẩu lao động.

Ông Hùng khẳng định, để đi lao động tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản thì phải có thời gian học tiếng, thi tiếng, đậu tiếng, rồi đến hoàn thiện hồ sơ sang các nước và chờ phản hồi từ các nước... Các công đoạn này, nhanh thì 6 tháng, chậm thì phải cả năm trời, người lao động mới xuất cảnh được.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Băn Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến sức hút lao động của trung tâm so với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa cao. Năng lực tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động xuất khẩu của trung tâm; việc thực hiện chính sách liên quan đến giáo dục định hướng nghề nghiệp, đào tạo tiếng cho các lao đông thuộc các huyện nghèo 30a...

Một lớp học giới thiệu, tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Minh Chi
Một lớp học giới thiệu, tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Minh Chi

Bà Nguyễn Thị Lan – Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị Trung tâm quan tâm tuyên truyền cho người lao động, đặc biệt là các chính sách của Trung ương và tỉnh về xuất khẩu lao động. Chú trọng nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của trung tâm, đáp ứng yêu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng.

Bà Lan cũng cho rằng, Trung tâm cần tăng cường phối hợp với địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, thương hiệu để giới thiệu, cung ứng nhiều lao động đi xuất khẩu lao động, trở thành địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực này đối với người lao động. Chủ động mọi điều kiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và kinh phí hoạt đông, tiến tới tự chủ của đơn vị.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN