Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi ở rẻo cao Kỳ Sơn

15/09/2016 09:27

(Baonghean.vn) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi tư duy làm ăn của người dân.

Ông Lô Xuân Nghĩa ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý từng nhiều năm nuôi lợn nái sinh sản, nhưng do không áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả mang lại thấp. Không nản chí, năm 2014, ông quyết định đầu tư cho người con trai thứ xuống các huyện miền xuôi tìm hiểu, học tập kỹ thuật nuôi lợn thịt siêu nạc. Bước đầu ông đầu tư mua 25 con lợn thịt về nuôi. Sau hơn 3 tháng chăm sóc lứa lợn nuôi thử nghiệm đầu tiên gia đình ông thu lãi 25 triệu đồng.

Trại nuôi lợn của ông Nghĩa 5 ô chuồng, mỗi ô từ 10 đến 15 con lợn thịt.
Trại nuôi lợn của ông Nghĩa 5 ô chuồng, mỗi ô từ 10 đến 15 con lợn thịt.

Từ hiệu quả ban đầu mang lại, đầu năm 2016, ông tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại kiên cố trên diện tích 100 m2 và đầu tư nuôi gần 50 con lợn thịt. Sau hơn 1 tháng chăm sóc đàn lợn đang phát triển tốt, dự kiến sẽ mang lại một nguồn thu không nhỏ cho gia đình ông. Ngoài nuôi lợn, gia đình ông Nghĩa còn chăn nuôi thêm 10 con bò, 4 con trâu, một số con gia cầm và hơn 600m2 lúa nước. Mô hình tổng hợp của gia đình ông mỗi năm đem lại thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng.

Còn anh Lô Văn Súm ở bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu từ năm 2010 cũng đã đầu tư chăn nuôi lợn thịt. Ban đầu chỉ với 4 ô chuồng, mỗi ô nuôi từ 6 đến 7 con lợn thịt, đến nay anh đã có một trang trại chăn nuôi lợn khá lớn, mỗi năm anh xuất bán 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 20 đến 25 con lợn thương phẩm, cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới anh sẽ mở rộng thêm quy mô chuồng trại đầu tư nuôi thêm lợn nái, để chủ động nguồn lợn giống tại chỗ, không phải nhập ở các huyện miền xuôi như hiện nay.

, Ngoài nuôi lợn gia đình ông Nghĩa còn nuôi và chăm sóc 10 con bò, 4 con trâu, một số con gia cầm và hơn 600m2 lúa nước.
Ngoài nuôi lợn, gia đình ông Nghĩa còn nuôi và chăm sóc 10 con bò, 4 con trâu, một số con gia cầm và hơn 600m2 lúa nước.

Phát huy tiềm năng của vùng đồi núi, cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn, đang tiếp tục huy động các nguồn lực, các nhà tài trợ trong việc triển khai, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng và xây dựng các gia trại, trang trại giúp nhiều hộ dân nghèo trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện còn tích cực chỉ đạo, khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên diện tích đồi rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có trên 282 mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng mỗi năm.

Từ chăn nuôi theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, hiện nay, nhiều trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trong chăn nuôi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững, giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện vươn lên làm giàu chính đáng.

Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,5 – 14,5/năm, trong đó, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng bình quân hàng năm từ 8 đến 9%/năm; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, đưa ngành chăn nuôi gia súc trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển đàn bò, đàn lợn giống địa phương thành hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho người dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 4,5 đến 5%.

Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN