Bệnh đạo ôn có nguy cơ làm giảm năng suất lúa

30/03/2017 09:44

(Baonghean.vn) - Hiện nay, lúa xuân đang làm đòng, tuy nhiên nhiều diện tích bị bệnh đạo ôn đe dọa, nguy cơ làm giảm sản lượng. Các địa phương đang tích cực triển khai công tác phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ mùa vụ.

Các cấp, ngành ở Thanh Chương tích cực kiểm tra các trà lúa bị bệnh để kịp thời khuyến cáo cho nông dân giải pháp phòng trừ. Ảnh Hữu Thịnh
Các cấp, ngành ở Thanh Chương tích cực kiểm tra các trà lúa bị bệnh để kịp thời khuyến cáo cho nông dân giải pháp phòng trừ. Ảnh Hữu Thịnh

Theo thống kê của UBND huyện Thanh Chương, đến nay trên địa bàn có 473 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó 20 ha có tỷ lệ nhiễm bệnh nặng, nguy cơ làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nếu không được phòng trừ kịp thời.

Các giống lúa bị nhiễm bệnh nặng như: hương ưu 98, Thái Xuyên 111, Thiên ưu 8. Các xã bị nhiễm bệnh nặng đó là Thanh Yên, Thanh Khai, Thanh Lương, Thanh Tùng, Thanh Khê, Thanh Thịnh… Ông Nguyễn Như Quân - Trạm phó Trạm BVTV huyện cho biết: Khi phát hiện bệnh, ngành đã khuyến cáo bà con cần phun phòng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng. Nếu phun lần 1 bị gặp mưa thì phun lại lần 2 sau 5-7 ngày. Trong thời gian lúa bị bệnh thì ngừng ngay việc bón đạm…

Hiện tại cây lúa đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, bệnh đạo ôn trên lá tạm thời được khống chế nhưng nguy cơ đạo ôn cổ bông cũng bắt đầu được cảnh báo. Vì vậy để đảm bảo có một vụ xuân thắng lợi, các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân phòng chống bệnh hiệu quả không để lây lan ra diện rộng.

Còn tại huyện Nghi Lộc hơn 7.500ha lúa vụ xuân đang thời kỳ cuối đẻ nhánh và đứng cái làm đòng. Qua kiểm tra đồng ruộng phát hiện bệnh đạo ôn lá gây hại trên diện tích hơn 300 ha. Tỷ lệ lá bị nhiễm phổ biến từ 3 đến 5%, cá biệt có một số ruộng từ 30-50%.

Nông dân các địa phương ở Nghi Lộc phun trừ bệnh đạo ôn trên lúa. Ảnh Hồng Vinh
Nông dân các địa phương ở Nghi Lộc phun trừ bệnh đạo ôn trên lúa. Ảnh Hồng Vinh

Bệnh phát sinh do ảnh hưởng của thời tiết và nhiễm nặng trên các trà lúa gieo cấy mật độ dày, bón nhiều đạm, nhất là các giống lúa Lam Sơn 8,Thiên Ưu 8, Nếp...

Bà Đặng Thị Hải – Trạm trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Nghi Lộc cho biết: "Sau khi phòng trừ, chúng tôi chỉ đạo các địa phương trong huyện tập trung công tác kiểm tra, giám sát các diện tích nhiễm bệnh 1 tuần sau khi phun trừ. Nếu chưa hết vệt bệnh phải tiếp tục phun trừ, còn nếu đã hết vệt bệnh thì tiến hành chăm sóc, bón thúc đợt hai".

» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục

Hữu Thịnh - Hồng Vinh

TIN LIÊN QUAN