Nghề hương trầm Quỳ Châu cho thu tiền tỷ nhưng 'đói' nguyên liệu
(Baonghean.vn) - Là địa phương có nhiều lợi thế cho việc trồng cây rễ hương, mỗi năm huyện Qùy Châu mở rộng hàng chục ha nhưng hiện chỉ đáp ứng 20-30% nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất hương trầm.
Với hơn 1,5 ha diện tích trước đây thường trồng ngô nhưng cho thu nhập thấp, gia đình anh Hà Văn Phú ở bản Bông 1, xã Châu Thuận (Quỳ Châu) đã chuyển đổi sang trồng cây rễ hương. Anh Phú cho biết, rễ hương là loại cây dễ chăm sóc, chịu hạn, không kén đất và giá trị kinh tế cao. Với thời gian trồng là 18 tháng, 1,5ha diện tích trồng rễ hương của gia đình anh cho thu nhập gần 123 triệu đồng.
Gia đình anh Hà Văn Phú ở bản Bông 1, xã Châu Thuận (Quỳ Châu) thuê công nhân thu hoạch rễ hương. Ảnh: Bé Vinh |
Gần 3 năm nay, rễ hương là cây trồng chính tăng thu nhập cho gia đình ông Nguyễn Xuân Hà ở khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc. Với diện tích 0,6ha, mỗi năm ông Hà thu được từ 17 - 20 tạ/ha; với giá bán rễ hương tươi 15.000 đồng/kg, ông có hơn 30 triệu đồng/vụ. Tuy việc trồng rễ hương cho thu nhập khá, nhưng do quỹ đất của gia đình ít nên khó mở rộng diện tích.
Huyện Quỳ Châu bắt đầu thử nghiệm trồng cây rễ hương từ năm 2006, với diện tích 1ha dưới tán keo lai. Sau khi đánh giá giá trị kinh tế từ trồng loại cây này, huyện đã có chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, hỗ trợ 60% giá giống cho những hộ khai hoang trồng mới.
Những diện tích rễ hương trồng ở lèn đá, khí hậu mát mẻ nên cây phát triển rất tốt. Ảnh: Bé Vinh |
Đến nay, toàn huyện đã mở rộng trên 30ha, năng suất bình quân 55 tạ/ha; mỗi năm cung cấp cho các làng nghề làm hương trầm trên 1.600 tấn rễ hương tươi. Với giá hiện tại từ 12.000 - 15.000 đồng/kg rễ hương tươi, 35.000 đồng/kg rễ hương khô, mỗi năm những người trồng rễ hương trên địa bàn huyện thu về trên 2 tỷ đồng.
Là địa phương có nhiều lợi thế cho việc trồng cây rễ hương, nhưng hiện chỉ đáp ứng được 20-30% nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất hương trầm. Bà Trần Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất Hương Trầm Hà Loan cho biết: "Rễ hương trồng trên đất Quỳ Châu có tinh dầu và độ thơm hơn nhiều so với loại rễ được nhập từ các nơi khác. Để sản xuất trên 3 vạn hương trầm mỗi năm, cơ sở cần tới 9 tấn rễ hương khô, trong khi nhập nguyên liệu tại địa bán huyện chỉ được hơn 1 tấn".
Theo ông Hà Văn Khương - Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Châu, đầu tư trồng rễ hương chi phí thấp hơn so với các loại cây khác; tổng chi phí giống để trồng 1ha hết khoảng 15 triệu đồng, sau thu hoạch lãi khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mô hình trồng cây rễ hương chưa xứng với tiềm năng của địa phương, hiện mới cung cấp được khoảng 20 - 30% nhu cầu nguyên liệu cho các làng nghề làm hương trầm truyền thống trên địa bàn huyện.
Rễ hương trồng tại Quỳ Châu được các hộ làm nghề đánh giá tinh dầu, hương thơm hơn trồng ở các địa phương khác. Ảnh: Bé Vinh |
Nói về khó khăn trong mở rộng diện tích cây nguyên liệu này, ông Lê Hải Lý – Trưởng phòng NN &PTNT huyện Quỳ Châu cho biết thêm: “Tuy đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc trồng rễ hương trên địa bàn huyện nhưng diện tích mở rộng chưa đáp ứng nhu cầu. Lý do là qũy đất để trồng rễ hương của các hộ dân chuyên thâm canh cây rễ hương ít.
ong khi đó, những gia đình có quỹ đất rộng ở các thôn, bản lại thiếu kinh phí để mua giống cây (UBND huyện chỉ hỗ trợ cho những gia đình mở rộng mới, ví như gia đình trồng 5ha rễ hương, sang năm trồng tăng lên 6ha sẽ được hỗ trợ 1ha tăng thêm), đồng thời cũng chưa xác định được tiềm năng kinh tế của cây rễ hương.”
Bé Vinh
TIN LIÊN QUAN |
---|