Tăng trưởng GDP 3 qúy dự báo trên 6%

23/09/2017 07:04

“Các chỉ số sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong tháng 8-2017 khá tích cực và chúng tôi tin tăng trưởng GDP qúy 3 và 9 tháng đầu năm sẽ ở mức trên 6%”- ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Trưởng bộ phận nghiên cứu - phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận xét.

Ông Linh cho rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay 6,7% bằng mọi giá là không cần thiết và chính sách điều hành nên tập trung vào hướng kích cung thay vì các giải pháp kích cầu mang tính ngắn hạn đồng thời chứa đựng rủi ro.

Hai vấn đề vĩ mô nổi lên hiện nay được không chỉ giới nghiên cứu mà cả giới đầu tư quan tâm, nhất là biến động của lạm phát và tăng trưởng tín dụng. Chỉ số CPI tháng 8 vừa qua đã bất ngờ tăng 0,92% so với tháng trước đó và đây là mức tăng cao nhất trong gần bốn năm qua. Sự cộng hưởng tăng giá của nhiều mặt hàng như thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí đã đẩy CPI gần chạm mức 1%/tháng.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả lần đầu tiên cán mốc 2,35 tỉ đô la Mỹ chỉ trong tám tháng đầu năm nay. Ảnh TL

Dự báo CPI tháng 9 có thể vẫn tiếp tục tăng do giá xăng đã tăng hai lần. Giá dịch vụ y tế và giáo dục của nhiều địa phương cũng được điều chỉnh trong tháng này. Hơn nữa giá thịt heo cũng nhích lên do nhu cầu từ Trung Quốc.

Nếu nhìn về 12 tháng trước mắt, nhiều khả năng lạm phát sẽ thử thách mức 4-5% bất chấp năm nay CPI sẽ đứng ở mức dưới 4%. Ngoài những yếu tố liên quan đến lạm phát kể trên, có thể thấy những cuộc khủng hoảng về giá lương thực thực phẩm như giải cứu heo, dưa hấu, các loại cây trồng khác sẽ khó lặp lại.

Yếu tố tác động tới lạm phát không thể bỏ qua là tăng trưởng tín dụng. Nới lỏng tín dụng quá mức có thể dẫn tới bất ổn vĩ mô nếu không kiểm soát tốt đường đi của đồng vốn giải ngân. Tín dụng tăng trưởng cao là con đường ngắn nhất đưa đến khủng hoảng tài chính và kinh tế, điều đã từng xảy ra hai lần trong vòng 10 năm trở lại đây.

Lĩnh vực được trông chờ hỗ trợ cho GDP chính là xuất khẩu khi giải ngân đầu tư công chậm chạp và giới ngân hàng trong tình trạng lo ngại về nợ xấu bùng phát một khi nhiều tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng hạn mức tín dụng năm nay lên trên 20%.

Tái cơ cấu mạnh nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng do nông nghiệp đứng thứ hai trong cơ cấu GDP, chỉ sau công nghiệp chế tạo chế biến. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đã bắt đầu le lói hy vọng khi kim ngạch xuất khẩu rau quả lần đầu tiên cán mốc 2,35 tỉ đô la Mỹ chỉ trong tám tháng đầu năm. Trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè... chưa có đột phá, thì xuất khẩu rau quả là một sự gợi mở cho thành công nếu chúng ta làm tốt công tác thị trường.

Trào lưu đầu tư vào nông nghiệp được khởi xướng từ mấy năm trước và hiện vẫn thu hút dòng vốn của doanh nhân trong nước. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoặc còn quá mới, hoặc không có ý định lên sàn do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên được vay vốn ưu đãi, nhưng tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ ở mức 2%/năm. Vốn không phải là nút thắt. Rủi ro về thị trường tiêu thụ, về giá cả do phụ thuộc vào giá thế giới là đáng kể. Đầu tư cho khâu chế biến để nâng giá trị xuất khẩu vẫn là điểm yếu của nông nghiệp Việt.

Theo Sài Gòn Online

TIN LIÊN QUAN