Đảng cực hữu 'lên ngôi' - cơn địa chấn với nhiệm kỳ 4 của Merkel
Việc đảng cực hữu AfD giành lợi thế lớn sau cuộc tổng tuyển cử Đức đang đặt bà Merkel trước thách thức xây dựng liên minh mới đầy khó khăn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu mừng chiến thắng với nhiệm kỳ thứ 4. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 24/9 chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc tổng tuyển cử. Thế nhưng thắng lợi của bà đã bị lu mờ trước việc đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) lần đầu tiên vào quốc hội trong nửa thế kỷ.
Trong bài phát biểu chiến thắng, bà Merkel thừa nhận đã hy vọng về một kết quả bầu cử tốt hơn và cho rằng việc AfD giành được ghế trong quốc hội là "một thách thức mới".
Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ của bà Merkel, cùng đảng anh em là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), giành khoảng 33% phiếu bầu, trở thành nhóm lớn nhất trong quốc hội. Nhưng con số trên đã giảm mạnh so với tỷ lệ 41,5% tại cuộc bầu cử trước và là kết quả tồi tệ nhất đối với khối này kể từ năm 1949, theo AFP.
Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và ứng viên Martin Schulz về thứ hai nhưng với cách biệt đáng kể. Họ chỉ giành 21% phiếu bầu.
"Chấn động" nổ ra là khi AfD, đảng cực hữu theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và tân phát xít, có quan điểm chống Hồi giáo, chống nhập cư, giành 13% phiếu bầu, tương đương 94 trong tổng 631 ghế quốc hội, trở thành thế lực chính trị lớn thứ ba ở Đức. Giới quan sát gọi màn thể hiện của đảng AfD là "thời khắc biến động" trong lịch sử nước Đức. Nhật báo Bild miêu tả đây không khác gì một "cơn địa chấn chính trị".
Thách thức lớn nhất
Theo Guardian, thách thức lớn nhất của bà Merkel lúc này là thuyết phục đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh liên minh với CDU/CSU nhằm tránh để xảy ra tình trạng chính quyền thiểu số. Thủ tướng Đức từng tuyên bố bà không muốn dẫn dắt một chính quyền như vậy. Song hai đảng trên không những đối nghịch nhau mà còn đang đối mặt tình trạng mất uy tín với cử tri. Vậy nên, nhiệm vụ mà bà Merkel phải thực hiện trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Quá trình thương thảo giữa các đảng có thể kéo dài tới sau Giáng sinh và tiềm ẩn nguy cơ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới nếu nỗ lực tạo dựng liên minh sụp đổ.
Lợi thế lớn nhất của bà Merkel là đảng AfD hiện cần thời gian để ổn định cơ cấu, tổ chức. Những rạn nứt bên trong AfD ngày 22/9 bắt đầu xuất hiện khi chủ tịch đảng này, bà Frauke Petry, cho biết sẽ không cùng các cộng sự gia nhập quốc hội.
"Chúng ta nên công khai những khác biệt về chất bên trong AfD", bà Petry nói. "Một đảng bất ổn... không thể mang đến cho cử tri một chính phủ đáng tin cậy".
Đảng CDU của bà Merkel cần tìm thêm một hay nhiều đối tác liên minh để thành lập chính phủ đa số hoặc bằng lòng với chính phủ thiểu số. Liên minh CDU-SPD đã đảm bảo được 53% số phiếu bầu nhưng cơ hội trên bị thổi bay sau khi chủ tịch đảng SPD, ông Martin Schulz, tối 24/9 thừa nhận thất bại. "Đây là ngày khó khăn và ảm đạm đối với xã hội dân chủ ở Đức", ông Schulz nói trước những người ủng hộ. "Chúng ta chưa thể đạt mục tiêu".
Nhiều quan chức đảng SPD khẳng định họ chỉ có thể hồi sinh vị thế trước đây nếu trở thành đảng đối lập. Nếu SPD đứng ngoài nội các, họ sẽ có thể ngăn chặn việc AfD giữ vai trò lãnh đạo phe đối lập và giành các đặc quyền quốc hội liên quan.
Điều này đồng nghĩa bà Merkel phải tìm kiếm một liên minh khác, dù kém ổn định hơn, với đảng FPD và đảng Xanh. Liên minh CDU/CSU - FDP - đảng Xanh, thường được gọi với cái tên "Liên minh Jamaica" vì màu các đảng trùng với màu đen, vàng và xanh trên quốc kỳ Jamaica.
Việc xây dựng liên minh như trên là chưa từng có trong lịch sử Đức và nó yêu cầu đảng Xanh phải thỏa hiệp trước vô vàn khác biệt về chính sách, từ nhập cư cho đến lĩnh vực công nghiệp xe hơi.
FDP được nhìn nhận như đối tác truyền thống chính với đảng CDU và từng thành lập nội các cùng Thủ tướng Merkel trong nhiệm kỳ thứ hai của bà. Nhưng sự đối lập giữa FDP và đảng Xanh chắc chắn sẽ đặt ra trở ngại lớn trong quá trình tạo dựng liên minh, giới quan sát nhận định.
Một số chính trị gia từ cả đảng FDP và đảng Xanh đều đã công khai phủ nhận khả năng hình thành liên minh Jamaica. Những thành viên đảng Xanh nghiêng về cánh tả cũng tỏ ra hoài nghi.
Phó chủ tịch FDP Wolfgang Kubicki hôm qua nói trước các phóng viên: "Chúng tôi không phụ thuộc vào việc xây dựng 'liên minh Jamaica' bằng mọi giá".
Nếu thỏa thuận thất bại, bà Merkel có thể cân nhắc theo đuổi một chính phủ thiểu số với sự hỗ trợ từ ba đối tác liên minh tiềm năng: FDP, SPD và đảng Xanh. Song phát biểu trên truyền hình tối 24/9, bà dường như đã loại bỏ khả năng trên khi nhấn mạnh mục tiêu "xây dựng một chính phủ ổn định ở Đức".
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|