Không tự ý điều trị bệnh tay - chân - miệng
(Baonghean) - Thời gian gần đây, số trẻ đến khám, điều trị bệnh tay - chân - miệng ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An ngày càng tăng. Theo thống kê, trong tháng 9 có 328 bệnh nhân, 81 em phải nhập viện điều trị nội trú... Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi có những chia sẻ, khuyến cáo về bệnh.
Trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng được điều trị ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung |
Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virut đường ruột gây ra, hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là coxsackie virut nhóm A16, A10 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh phần lớn là lành tính và tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nếu do EV71 thì có thể gây ra các vụ dịch lớn, có thể gây tử vong nhanh chóng cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ.
Trước đây, bệnh tay - chân - miệng thường gặp ở miền Nam. Song thời gian gần đây bệnh phổ biến ở cả miền Bắc, trong đó có Nghệ An. Tại Nghệ An, bệnh lưu truyền quanh năm nhưng chủ yếu bùng phát từ tháng 5 - tháng 7 và tháng 9 – tháng 12. Bệnh nhân tập trung lớn ở khu vực đồng bằng như thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành...
Bệnh tay - chân - miệng có biểu hiện bệnh cảnh rất khác nhau, có thể không có triệu chứng, có thể sốt nhẹ, phát ban đến thể rất nặng gây tử vong nhanh do biến chứng như phù phổi, suy tuần hoàn, hô hấp với các biểu hiện thần kinh khác nhau.
Nhìn chung sau thời gian 2 - 4 ngày nhiễm bệnh, trẻ có các biểu hiện sau: Bệnh thường bắt đầu với sốt 38 – 390C, kém ăn, mệt mỏi, thường đau họng; Sau 1 - 2 ngày sốt thường xuất hiện đau ở miệng, nhìn thấy các vết đỏ rộp lên có thể gây loét. Thương tổn thường thấy ở lưỡi, lợi răng và mặt trong niêm mạc má. Đồng thời xuất hiện các ban đỏ ở da, không ngứa, có thể có mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi ở mông... Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nói trên cần được khám, theo dõi bởi các cơ sở y tế.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh tay - chân - miệng, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực nhằm duy trì chức năng sống đối với các trường hợp nặng, đặc biệt có suy tuần hoàn, hô hấp...
Đặc biệt cần lưu ý: Bệnh tay - chân - miệng là bệnh nhiễm khuẩn do virut đường ruột, nên kháng sinh thông thường không có tác dụng. Các bà mẹ thấy con bị bệnh tay - chân - miệng là dùng ngay kháng sinh mà không biết rằng bệnh tay - chân - miệng do virut nên việc dùng kháng sinh không những không có tác dụng gì đối với bệnh mà chỉ gây hại sức khỏe, làm bệnh nặng thêm và tạo nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh nói chung và bệnh tay - chân - miệng nói riêng.
Vì chưa có vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là thực hiện vệ sinh tốt được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Người chăm trẻ và trẻ cần rửa tay đúng, thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn; tránh tiếp xúc (hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén) với người bệnh tay - chân - miệng; các cơ sở y tế, phòng dịch phải phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp bị bệnh.
Thành Chung
TIN LIÊN QUAN |
---|