Sẽ xây dựng ma trận đề thi tổ hợp lớp 10 vào tháng 12/2017

28/09/2017 10:57

(Baonghean) - Như đã thông tin, UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố quyết định thực hiện bài thi tổ hợp tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10; theo đó, tại kỳ thi năm tới, học sinh sẽ phải thi 5 môn, thay vì 3 môn như trước đây.

Theo Quyết định số 4345 ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh về việc "Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2018 - 2019", kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được tổ chức dưới hình thức thi tuyển và xét tuyển với 3 môn thi. Trong đó, ngoài 2 môn Ngữ văn và Toán vẫn thi tự luận theo như các năm trước thì môn thi thứ 3 sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Đặc biệt, nếu như các năm trước, môn thi thứ 3 sẽ chỉ thi 1 môn thì năm nay sẽ chuyển sang hình thức thi tổ hợp với 3 môn thành phần. Đó là Ngoại ngữ, 1 môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và 1 môn thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội.

Theo kế hoạch, môn thi tổ hợp sẽ do giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định và được công bố vào đầu tháng 4/2018. Các môn thi của bài thi tổ hợp sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên gồm một trong ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (thuộc môn Khoa học tự nhiên) Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (thuộc môn Khoa học xã hội).

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: Mỹ Hà

Như vậy, với hình thức này, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Nghệ An năm tới sẽ được tổ chức gần giống với Kỳ thi THPT Quốc gia. Khác biệt là ở chỗ, ở Kỳ thi THPT Quốc gia, bài thi tổ hợp sẽ được chấm riêng lẻ theo từng môn thi, thì với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất của toàn bài thi.

Trước đó, theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo: Việc triển khai bài thi tổ hợp không phải là “nhất thời” mà đã có sự chuẩn bị trong 3 năm. Mục đích chính nhằm thực hiện xu hướng đổi mới về dạy học tích hợp, hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh, tránh học lệch học tủ. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt chính thức cũng đã tổ chức các cuộc họp và thảo luận để xin ý kiến của các trường, phòng Giáo dục và Đào tạo.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Do đây là năm đầu tiên triển khai bài thi tổ hợp nên ngay sau khi chủ trương được thông qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban của sở, triển khai quyết định của tỉnh. Trong đó, yêu cầu cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác truyền thông và lên kế hoạch dạy và học theo phương thức thi mới. Đồng thời, soạn thảo các câu hỏi trắc nghiệm, xây dựng ngân hàng câu hỏi và sớm đưa ra ma trận đề thi trước tháng 12/2017.

Theo quy định, bài thi tổ hợp sẽ được lấy điểm hệ số 1 để xét tuyển vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2018 - 2019. Vì vậy, băn khoăn lớn nhất của phụ huynh và học sinh khi thực hiện hình thức thi mới sẽ ảnh hưởng đến điểm đầu vào. Về vấn đề này, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho rằng: Với cương vị của phụ huynh đang có con đang học lớp 9, tôi thấy điều lo lắng của phụ huynh là có cơ sở. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách thấu đáo thì việc thi tổ hợp sẽ có nhiều lợi thế nhất định.

Cụ thể, nếu như trước đây, với hình thức chọn ngẫu nhiên môn thi thứ 3 thì phải đến giữa tháng 5 học sinh mới biết môn thi, khiến cho việc ôn tập bị cập rập. Ngược lại, với hình thức mới này, ít nhất học sinh đã chắc chắn được một môn, đó là môn Ngoại ngữ (với tổng số 20/50 câu hỏi của bài thi tổ hợp).

Hai môn thi còn lại, thường thì học sinh đã có thiên hướng về một môn nên nếu chuẩn bị kỹ càng các em đã có lợi thế đến 70% (35/50 câu hỏi). 30% còn lại của bài thi tổ hợp, nếu các em chăm chỉ sẽ không gặp nhiều khó khăn và cơ hội đạt điểm cao không khó.

Điều quan trọng, đó là phải làm sao đề thi phân loại được học sinh. Thực tế, ở Kỳ thi THPT Quốc gia, với hai mục đích “xét tốt nghiệp và tuyển chọn đầu vào cho các trường đại học, cao đẳng” nên áp lực về “tỷ lệ” trúng tuyển tốt nghiệp khá lớn và dễ hiểu vì sao trong năm đầu tiên triển khai tình trạng “mưa điểm 10” đã xảy ra một cách đột biến.

Tuy nhiên, ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mục tiêu chính là tuyển chọn đầu vào các trường công lập nên việc phân loại là điều cần thiết. Muốn làm được điều này, theo quan điểm của cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Bình (TP. Vinh) cho rằng: “Thời điểm hiện nay, thi tổ hợp là đúng và học sinh sẽ từng bước làm quen với cách thi mới. Nhưng chúng ta không nên gây áp lực quá lớn cho học sinh. Việc ra đề không nên ra khó, mà ra nhẹ nhàng vì học sinh hiểu hết kiến thức trong sách giáo khoa đã là khó lắm rồi.

Thí sinh thị xã Thái Hòa tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà
Thí sinh thị xã Thái Hòa tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Còn để phân loại, thì có thể ra “mẹo” bởi học sinh thường chủ quan, chỉ tập trung vào những bài khó mà lơ là những kiến thức đơn giản. Theo tôi, để có một đề thi hay, người ra đề phải là người sát thực trong quá trình dạy, luyện tập và thực hành nhiều với học sinh, biết được ưu, khuyết điểm của học sinh, học sinh hay vướng mắc ở chỗ nào, qua đó sẽ phân loại được học sinh”.

Cũng với tinh thần trên, UBND tỉnh chỉ đạo, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 “nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu trong chương trình lớp 9. Việc ra đề thi phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hóa được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi”.

Khó khăn hiện nay đang “vướng” ở cơ sở đó là chưa có nhiều tài liệu tham khảo, giáo viên đang bị động trong xây dựng ngân hàng đề thi vì chưa có tiền lệ, đặc biệt là với các đề thi trắc nghiệm. Mong muốn lớn nhất hiện nay là Sở Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các quy định cụ thể và có hỗ trợ về mặt chuyên môn, công bố ngân hàng đề thi và ma trận đề thi để việc dạy, và học ở các trường đạt hiệu quả cao./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN