Cạnh tranh Uber, Grab: Taxi truyền thống dùng chung ứng dụng đặt xe?
Việc thành lập một sàn giao dịch chung, một phần mềm điều phối chung cho các hãng taxi truyền thống là rất cần thiết. Khi khách hàng tìm kiếm, nếu hãng này không có xe sẽ ngay lập tức có xe của hãng khác. Điều này sẽ giúp khách hàng không lo thiếu xe và hãng không lo xe chạy rỗng.
Ứng dụng đặt xe taxi Việt có nguy cơ chết yểu vì chi phí cao. Ảnh minh họa |
Nhằm cạnh tranh với Grab, Uber, thời gian qua, nhiều hãng taxi Việt triển khai ứng dụng gọi xe công nghệ. Tuy nhiên, do phần mềm bất tiện, giá cước đắt, taxi công nghệ Việt vẫn rơi vào tình trạng... ít người biết.
Được biết, từ tháng 1/2016, Bộ GTVT cho phép Công ty TNHH GrabTaxi được phép thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng với xe ô tô dưới 9 chỗ. Để tăng tính cạnh tranh và hành khách có thêm sự lựa chọn, tháng 4/2017, Bộ GTVT đồng ý cho thêm 9 đơn vị được tham gia đề án.
Tuy nhiên, trong các đơn vị được Bộ GTVT chấp thuận cho triển khai xe công nghệ, chỉ mới có 4 ứng dụng gồm Mai Linh Car, Home Car, Thanh Cong Car, V.Car là kết nối được.
Theo tìm hiểu của Báo Tiền phong các ứng dụng này có giá cước ngang bằng giá taxi truyền thống, đắt hơn nhiều so với xe ứng dụng công nghệ nước ngoài.
Vào một số khung giờ cao điểm, ứng dụng của một số hãng còn không mở được. Với ứng dụng của “Thanh Cong Car”, hành khách còn nhận các thông báo “Không có xe”, “Không tìm thấy taxi theo yêu cầu của bạn”...
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, xe công nghệ Việt giá cước ngang bằng giá taxi truyền thống và đắt hơn xe công nghệ nước ngoài thì khó chấp nhận. Nếu không thay đổi, không thích nghi với xu thế mới thì xe công nghệ nói riêng và taxi Việt nói chung rất khó tồn tại.
Một phần mềm điều phối chung?
Theo Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, các hãng taxi đang mạnh ai nấy chạy. Điều này khiến khả năng cạnh tranh với Grab, Uber trong việc thu hút khách hàng qua ứng dụng đặt chỗ điện tử là không khả thi.
Thực tế cho thấy hai hãng taxi dù có “cạnh nhà” cũng không quan hệ với nhau, mỗi hãng có cách phát triển thị trường riêng, việc ai nấy lo. Thêm nữa công tác truyền thông, quảng bá của các hãng taxi truyền thống chưa tốt, khó thay đổi thói quen gọi tổng đài của khách hàng.
Ông Liên đề xuất ý tưởng các hãng taxi thành lập chung một phần mềm điều phối. Khi khách hàng tìm kiếm, nếu hãng này không có xe sẽ ngay lập tức có xe của hãng khác. Điều này sẽ giúp khách hàng không lo thiếu xe và hãng không lo xe chạy rỗng. Nếu chiều rỗng giảm 30%, giá vé đi taxi sẽ giảm.
Theo baochinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|