Cắt giảm tiếp thuế nhập khẩu của hàng nghìn mặt hàng
Thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết, trong những năm tiếp theo, thuế suất thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng sẽ tiếp tục được cắt giảm. Trong số này, thuế suất của rất nhiều mặt hàng sẽ về 0%.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về các mức thuế này khi đăng tải công khai các dự thảo nghị định về biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho các mặt hàng.
Hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ có giá ngày càng rẻ hơn nhờ thuế giảm. Trong ảnh: các mặt hàng đồng giá của một thương hiệu chuyên sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: MT |
Theo đề xuất này, để thực hiện hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký trong các năm tiếp theo, từ 2018 đến 2023, các mặt hàng nhập khẩu từ các thị trường nằm trong hiệp định sẽ được hưởng mức thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt. Các mức thuế này sẽ giảm ngay về bằng 0% từ 2018 hoặc giảm dần qua các năm.
Các hiệp định mà Bộ Tài chính viện dẫn đợt này gồm hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) giai đoạn 2018-2023; hiệp định khung về hợp tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) 2018-2022; hiệp định thành lập khu vực tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA) 2018-2022; hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) 2018-2022; hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) 2018-2021; hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) 2018-2020 và hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN 2018-2022. |
Chẳng hạn, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu từ đầu năm sau, từ các thị trường có hiệp định như Hàn Quốc, ASEAN sẽ ngay lập tức về 0% (lâu nay Hàn Quốc là 5%...). Trong khi đó, mặt hàng xăng sẽ giữ nguyên như hiện tại trong ba năm tiếp theo. Sang đến 2021 thì sẽ đồng loạt về mức 8%, áp dụng cho tất cả các thị trường.
Tương tự, các mặt hàng thủy hải sản, cá từ thị trường ASEAN sẽ còn 0%. Riêng thịt pha lóc hoặc đã sơ chế sẽ là 5%. Mức này áp dụng trong cả giai đoạn 2018-2022.
Các đề xuất của Bộ Tài chính nằm trong lộ trình về cắt giảm thuế của Việt Nam khi thực hiện các hiệp định đã ký kết. Việc cắt giảm thuế cũng đã thực hiện trong những năm qua, tùy theo hiệu lực của hiệp định.
Điều đó giúp cho giá nhiều mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam có cơ hội rẻ hơn. Đặc biệt, lượng hàng từ các nước có thuế ưu đãi tăng mạnh, vượt trội so với các thị trường khác. Hàn Quốc là một ví dụ. Nước này đã trở thành quốc gia mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất dù con số kim ngạch lớn nhất là từ thị trường truyền thống Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách. Đây cũng chính là lý do, khi thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm theo cam kết, các sắc thuế khác lại có xu hướng tăng lên để bù đắp.
Câu chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt của một số dòng xe ô tô nguyên chiếc là ví dụ.
Theo Kinh tế Sài Gòn
TIN LIÊN QUAN |
---|