Thi tuyển vụ trưởng ở Ban Tổ chức: 'Cứ để thực tiễn kiểm nghiệm'

04/10/2017 16:09

Đánh giá kết quả thi tuyển 3 vụ trưởng tại Ban Tổ chức TƯ, ông Phạm Minh Chính thận trọng: “Cứ để thực tiễn kiểm nghiệm sản phẩm của cách làm mới này thế nào”.

Ban Tổ chức trung ương là cơ quan đầu tiên của Đảng tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ. Kết quả sau 2 ngày sát hạch (30/9 và 1/10), Ban Tổ chức đã chọn ra được 3 trong số 12 người ứng thí để bổ nhiệm làm vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ, Cơ sở Đảng, Địa phương III.

thi tuyen vu truong o ban to chuc cu de thuc tien kiem nghiem hinh 1
Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính trao quyết định và chúc mừng những người được bổ nhiệm vụ trưởng thông qua thi tuyển.

Nhận xét về việc này, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương Nguyễn Thanh Bình nói đó là "bước đột phá để tiếp tục hoàn thiện quy trình và tăng tốc quá trình đổi mới công tác cán bộ với tư cách là khâu then chốt của then chốt".

Thi tuyển công khai, 12 hồ sơ đủ điều kiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ về công việc "bếp núc", hậu trường của cuộc thi lần này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ban Tổ chức trung ương Dương Minh Đức khẳng định đã tiến hành rất công khai và công phu, đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị về đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng".

Trước khi thực hiện, Ban Tổ chức đã nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm ở các đơn vị thí điểm trước như tỉnh Quảng Ninh, TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải.

"Lãnh đạo ban ký ban hành quy chế thi vào tháng 5, chúng tôi xây dựng kế hoạch tổ chức thi vào tháng 6, sau đó công bố thông tin rộng rãi trên báo Nhân Dân, tạp chí Xây Dựng Đảng và các báo, đài khác. Bộ Nội vụ hướng dẫn công khai thông tin thi tuyển trước 15 ngày, nhưng chúng tôi công bố trước 45 ngày" - ông Đức cho hay.

Vẫn theo ông Đức, Ban Tổ chức tiếp nhận khá nhiều hồ sơ đăng ký, nhưng qua sàng lọc thì có 12 hồ sơ đủ điều kiện tham gia thi tuyển. Danh sách ứng cử viên được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại cơ quan. Sau đó, trưởng Ban Tổ chức trung ương gặp các ứng cử viên và giao chủ đề.

Các ứng cử viên được quyền tiếp cận, khai thác các tài liệu cần thiết để chuẩn bị đề án, đi thực tế và trong thời gian này (khoảng 1 tháng) không phải tham gia công việc điều hành để tập trung chuẩn bị thi tuyển.

Nội dung các đề án khi nộp đều được niêm phong, giữ bí mật đến lúc hội đồng giám khảo họp (để đảm bảo khách quan, tránh sự tác động, hội đồng giám khảo chỉ được thành lập sau khi các ứng cử viên nộp đề án).

"Hội đồng giám khảo lần thi này khá đặc biệt bởi chủ tịch là ủy viên Bộ Chính trị, thành viên gồm 7 ủy viên trung ương, có sự tham gia của các giám khảo độc lập bên ngoài là các lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện hàn lâm KHXH VN, Học viện Hành chính quốc gia VN" - ông Đức cho biết.

Chấm dứt việc bổ nhiệm theo cách cũ

Lãnh đạo Ban Tổ chức cho biết để có kết quả khách quan, chính xác nhất, quy chế thi quy định thang điểm 100, nếu có thành viên nào trong ban giám khảo chấm điểm chênh lệch từ 20% so với điểm số trung bình thì điểm số này sẽ bị loại (điểm số trung bình sẽ được tính trong các thành viên còn lại).

"Quy định như vậy là để tránh sự chủ quan, thiên vị, yêu thì chấm điểm quá cao, ghét thì dìm điểm xuống. Rất may là trong cuộc thi chúng tôi không phải áp dụng quy định này, các thành viên giám khảo đánh giá khá sít sao về kết quả" - ông Dương Minh Đức tiết lộ.

Phần công bố người thắng cuộc cũng rất hấp dẫn, được giữ bí mật đến phút chót. Sau khi hội đồng giám khảo họp riêng, bộ phận giúp việc tổng hợp kết quả, lãnh đạo Ban Tổ chức phải họp thêm lần nữa để bỏ phiếu đánh giá trước khi bổ nhiệm cán bộ (theo quy trình).

Cuối cùng, tên người được bổ nhiệm mới được Vụ Tổ chức cán bộ ghi vào quyết định bổ nhiệm, phòng hành chính đóng khung trang trọng, rồi lãnh đạo ban mới công bố tại phiên họp tổng kết và trao quyết định.

Đồng thời với quá trình tổ chức thi tuyển, quy trình về công tác cán bộ vẫn phải được đảm bảo. Cụ thể, sau khi có danh sách chính thức ứng tuyển, đơn vị tham mưu về cán bộ phải trình Đảng ủy cho ý kiến cả 12 ứng cử viên xem có đủ điều kiện bổ nhiệm không.

Hồ sơ thi cũng phải đáp ứng như một hồ sơ bổ nhiệm, bao gồm các điều kiện kèm theo như bản kê khai tài sản mới nhất, nhận xét của cấp ủy địa phương, nhận xét của đơn vị, phiếu kiểm tra sức khỏe...

Vừa qua, 12 ứng cử viên đều là người thuộc các vụ giúp việc cho Ban Tổ chức trung ương. Điều này đặt ra câu hỏi làm sao để có nguồn rộng hơn chứ không chỉ là cuộc thi trong nội bộ.

Ông Đức giải thích: "Hiện nay, quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm vụ trưởng phải là chuyên viên cao cấp và phải được quy hoạch làm vụ trưởng. Do vậy, có nhiều cán bộ, chuyên viên ở các ban Đảng khác cũng muốn dự thi nhưng hoặc là họ chưa được quy hoạch, hoặc chưa phải là chuyên viên cao cấp.

Trong khi ở các tỉnh, thành có nhiều người đủ tiêu chuẩn là chuyên viên cao cấp thì thường họ đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng của tỉnh, TP đó nên cũng không tham gia.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang có hướng nghiên cứu, tham mưu tới đây trình lãnh đạo ban sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để mở rộng đối tượng đủ điều kiện thi tuyển. Tôi cho rằng điều này chỉ có tốt bởi khi mở rộng đối tượng thi tuyển thì nguồn sẽ rộng hơn, sẽ tuyển được người có chất lượng hơn".

Ông Dương Minh Đức cũng khẳng định tới đây sẽ tiếp tục tham mưu cho ban tiến hành thi tuyển một số vụ trưởng mới do người giữ chức vụ trưởng các vụ này chuẩn bị nghỉ hưu, đồng thời với việc thi tuyển các chức danh phó vụ trưởng, trưởng phòng, chấm dứt việc bổ nhiệm theo cách cũ./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN