GDP 7,46%: Cú đề-pa quan trọng
Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng cục Thống kê (GSO) vừa đưa ra con số chính thức về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước ta trong quý III. Con số 7,46% đưa ra khiến nhiều người bất ngờ, vui mừng.
Vui mừng vì nếu theo quán tính tăng trưởng thường thấy mỗi năm là quý sau cao hơn quý trước, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 chắc chắn sẽ đạt được, bởi quý IV chỉ cần tăng trưởng 7,31% (thấp hơn quý III) là đạt chỉ tiêu. Nhiều chuyên gia bất ngờ, bởi đây là mức kỷ lục trong nhiều năm, tăng đột biến so với quý II (6,28%). Bởi ngay trước ngày GSO công bố số liệu trên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thậm chí còn hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam trong năm 2017 xuống mức 6,3%.
Tôi cho rằng những nhiều chuyên gia tập trung vào chi tiết con số tăng trưởng của GSO là cần thiết, đặc biệt khi tính đến vai trò then chốt của số liệu GDP khi được sử dụng làm mỏ neo cho hàng loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Và số liệu thống kê vừa công bố cũng đã thể hiện những chuyển biến tích cực của nền kinh tế sau gần 2 năm của “chính phủ kiến tạo”, với những số liệu cụ thể khác cũng như đánh giá từ các bên liên quan.
Ông Trần Văn Sĩ - nông dân ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, tỉnh Long An bên ruộng lúa khô cằn. Ảnh: TTXVN |
Trước hết là sự trỗi dậy của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với mức tăng 2,78% trong 9 tháng, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, bởi ngay khi chính phủ mới nhậm chức, khủng hoảng môi trường biển Formosa và hạn hán kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến khu vực này tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016, và cán đích với mức chỉ đạt 1,36%.
Trong năm 2, cuộc “khủng hoảng thừa” của ngành chăn nuôi khiến nông nghiệp lao đao, tuy nhiên, ngành đã nhanh chóng vực dậy với mũi tàu là ngành thuỷ sản (tăng gần 6% trong 9 tháng đầu năm 2017). Đây là kết quả rất khả quan trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chưa thể nói được gì nhiều về quá trình đó, nhưng việc Thủ tướng tích cực tham gia hoạt động tại “hội nghị Diên Hồng” bàn về tương lai của ĐBSCL vừa qua cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách toàn diện nông nghiệp. Việc một số mặt hàng trọng yếu của ngành như trái cây và thịt gà được phép xuất khẩu sang những thị trường lớn, bao gồm Nhật Bản và Australia, mở ra hướng đi mới để ngành tự “giải cứu” chính mình.
Thêm vào đó, trong khi GDP phản ánh số lượng “tài sản” của nền kinh tế, thì các tiêu chí về doanh nghiệp sẽ cho chúng ta biết nhiều hơn về sức khoẻ của nó. Cũng theo báo cáo kinh tế - xã hội của GSO, tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115 nghìn doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp được GSO khảo sát dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong 3 tháng cuối năm lạc quan hơn quý III, trong đó 54,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; chỉ có 9,9% số doanh nghiệp dự báo giảm. Về sử dụng lao động, có 19,3% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động và 7,2% số doanh nghiệp dự báo giảm. Đây là những con số rất đáng khích lệ, cho thấy tinh thần khuyến khích sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ đưa ra từ đầu năm đang dần chuyển biến thành hành động.
Cùng với đó, việc các doanh nghiệp FDI hiện đang là “đầu tàu” xuất khẩu, như Samsung, cho thấy làn sóng đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Tính tổng thể, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,64 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Điều này gián tiếp chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, và sẵn sàng có những cam kết dài hơi về đầu tư sản xuất ở nước ta.
Những dấu hiệu đó, cùng với chỉ số tăng trưởng GDP, cho thấy những bước tiến tích cực trong nền kinh tế.
Chỉ số tăng trưởng GDP từ lâu luôn là thước đo vĩ mô chính. Tuy nhiên, đó không phải là thước đo duy nhất. Đây cũng chính là điều mà Thủ tướng Chính phủ từng phát biểu, không chấp nhận đổi mục tiêu ngắn hạn lấy ổn định vĩ mô về dài hạn, và không “ép” gia tăng sản xuất bất chấp tình hình thực tế để thua lỗ.
Có lẽ mục tiêu GDP tăng 6,7% trong năm nay, như vậy đã trong tầm với. Nhưng đó không phải là đích đến cuối cùng, bởi nền kinh tế không chỉ vận hành trong 1 năm. Về dài hạn, ổn định vĩ mô, làm thông thoáng môi trường kinh doanh, cải cách nền kinh tế hướng đến nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng là cú đề-pa quan trọng, cho bước đi bền vững trong những năm tiếp theo.
Theo VNN
TIN LIÊN QUAN |
---|