'Phong hàm vụ trưởng, hàm vụ phó nhiều khi chỉ là chiều lòng nhau'

06/10/2017 09:50

Ông Vũ Mão nói như vậy khi dẫn chứng về “sự tuỳ tiện” trong quản lý, điều hành dẫn đến bộ máy cồng kềnh, biên chế phình to.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội sẽ thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bởi hiện nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý...

Việc tinh giản biên chế được đặt ra và thực hiện trong thời gian qua nhưng hiệu quả chẳng được là bao. Theo ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tình trạng đó có nguyên nhân trong lãnh đạo, điều hành, quản lý của chúng ta không kiên quyết, thậm chí tùy tiện. Ví dụ, ở các cơ quan trung ương hay có tình trạng phong “hàm vụ trưởng”, “hàm vụ phó” thậm chí “hàm trưởng phòng”.

“Trước đây làm gì có chuyện phong hàm như vậy. Đây là việc làm để chiều lòng nhau” - ông Vũ Mão nói, đồng thời cho biết, thời kỳ giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông đã kiên quyết không đồng tình việc phong “hàm” kiểu như vậy.

phong ham vu truong hay ham vu pho la kieu lam chieu long nhau hinh 1
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Hay như việc sáp nhập Bộ để quản lý đa ngành thời gian qua cũng cho thấy có nhiều chỗ chưa hợp lý, nhất là còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Ban đầu không có Tổng cục nhưng sau vài năm sau lại mở ra rất nhiều Tổng cục, rồi kéo theo đó là phát sinh cấp Cục, Vụ, phòng nên dẫn đến cần tăng thêm biên chế.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhấn mạnh, trước thực trạng bộ máy nhà nước đang cồng kềnh hiện nay thì việc nghiên cứu, sắp xếp lại bộ máy cho gọn nhẹ hơn, tinh giản biên chế đi là điều phải làm và nên nghiên cứu, tổng kết những cách làm mạnh dạn, đổi mới đã chứng minh hiệu quả ở địa phương.

Bộ máy của Đảng và chính quyền song trùng và nhiều chức năng tương đối giống nhau nên thu gọn là hướng đi tốt. Ví dụ như Ủy ban kiểm tra của Huyện ủy kiêm luôn Thanh tra huyện rất là cần thiết. Hay như Tổ chức với nội vụ... Điều này vừa thu gọn lại đầu mối phòng ban, tinh giản biên chế mà hiệu lực, hiệu quả lại cao hơn.

Đề cập Ban Chỉ đạo Tây bắc, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ông Vũ Mão bày tỏ quan điểm cho rằng xu hướng bỏ các ban này là hợp lý. Vì chúng ta đã có cả hệ thống đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thêm vào đó vai trò của 3 Ban này chỉ là trung gian nên việc giữ 3 Ban Chỉ đạo hiện giờ sẽ là không cần thiết. Hay như việc duy trì Đảng ủy khối hay không cũng cần phải nghiên cứu, vì chức năng cuối cùng vẫn là vấn đề nhân sự, con người, củng cố Đảng thì lại thuộc Ban Tổ chức Trung ương rồi.

“Vấn đề này Trung ương phải bàn bạc kỹ, thống nhất và đưa ra những quyết sách tốt nhất để cả nước thực hiện. Bên cạnh đó, về phía Quốc hội, Chính phủ cần phải phải hoàn thiện các văn bản pháp luật về vấn đề này” - ông Vũ Mão cho rằng, nếu không có quy định cụ thể hơn việc thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế vẫn chỉ là hô hào suông./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN