Tiếng kêu cứu của các Hiệu trưởng!

06/10/2017 19:09

Hãy thông cảm cho chúng tôi! Chúng tôi cũng phải chịu áp lực từ trên xuống, đó không chỉ là câu nói của một vài hiệu trưởng mà như lời thỉnh cầu đến mọi nguời.

LTS: Trước những cái khó mà đôi khi không thể nói ra của các vị hiệu trưởng, tác giả Nam Phương cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn công tâm và thấu cảm hơn đối với họ.

Bởi, nhiều khi họ cũng muốn được lên tiếng, được phản ánh những góc khuất, những mặt bất cập còn tồn tại nhưng chẳng thể thay đổi được gì vì mọi việc đều từ trên áp xuống và họ chỉ biết làm theo.

“Hiệu trưởng cũng chỉ là người thi hành lệnh từ trên xuống. Bởi thế nhiều khi họ muốn giảm bớt gánh nặng cho giáo viên về hồ sơ sổ sách, về các cuộc thi, về các chỉ tiêu thi đua… nhưng như thế là vi phạm quy chế chuyên môn.

Khi cấp trên trách xuống hiệu trưởng sẽ là người gánh chịu đầu tiên. Suy cho cùng, giáo dục chúng ta đang chịu sự quản lý, chi phối từ cấp trên nên nhất nhất làm theo, tuyệt đối phục tùng và im lặng cam chịu”, đó là lời chia sẻ thân tình của một người bạn thân hiện đang làm hiệu trưởng một trường tiểu học.

Xin hãy có cái nhìn cảm thông với những vất vả, khó khăn của các vị hiệu trưởng. Ảnh nguồn minh họa: tuoitre.vn.

Điều này cũng đã được minh chứng trong cuộc họp trực tuyến 700 hiệu trưởng các trường tiểu học mà Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức trực tuyến năm học 2014-2015 về việc thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã phải thốt lên: “Tôi không thấy đầu cầu nào đăng ký phát biểu. Không thể hơn 700 hiệu trưởng mà không ai có băn khoăn.

Trong khi đó, việc thực hiện Thông tư 30 về thay đổi cách đánh giá đối với học sinh tiểu học từ chấm điểm sang nhận xét vẫn chưa thông suốt, sự máy móc trong nhận xét dẫn đến quá tải của các giáo viên có một phần lỗi của các hiệu trưởng".

Vì sao các hiệu trưởng không dám lên tiếng?

Lý do này chỉ người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Có hiệu trưởng nói rằng “họ (Phòng Giáo dục) nắm quyền thanh kiểm tra trong tay, quyền được ra lệnh, quyền luôn luôn đúng.

Bởi thế, nếu hiệu trưởng cả gan phản ứng thì “tai bay vạ gió” sẽ đến bất cứ lúc nào.

Hiệu trưởng nào mà chẳng sợ trường bị thanh tra, hết thanh tra chuyên đề, thanh tra chuyên môn đến thanh tra tài chính, thanh tra việc thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua…Việc thanh tra cũng giống như việc “quét nhà ra rác”.

Họ nói đúng là đúng mà nói sai là sai “miệng nhà quan có gang có thép” xưa nay có sai bao giờ.

Chưa kể một số hiệu trưởng lại muốn thành tích thì việc im lặng để ghi điểm với cấp trên càng phải thực hiện một cách triệt để.

Có người từng nhận xét “giáo viên sợ hiệu trưởng như sợ cọp” và giống thế “hiệu trưởng cũng sợ cán bộ phòng (chưa nói đến là Trưởng phòng đâu nhé) như sợ cọp đó thôi.

Một lời phán của họ chẳng khác nào “thánh chỉ” dù đúng hay sai thì các hiệu trưởng cũng phải rắp rắp thi hành.

Vì sợ nên nhiều người tìm mọi cách để lấy lòng cấp trên như nịnh nọt, bợ đỡ, quà cáp, phong bì…Họ cứ mang danh tập thể vì những thứ dùng để “cung tiến” là tiền trường.

Hiệu trưởng giải thích với giáo viên “phải ngoại giao để trường không bị làm khó”. Nhưng ai cũng biết, chẳng qua các hiệu trưởng sợ bản thân mình bị mắng, bị căn vặn, bị bắt bẻ đủ điều nên lấy lợi của tập thể để mua danh, mua sự an phận cho chính mình chứ bản thân mỗi thầy cô giáo cũng chẳng nhờ vả được gì.

Một chị hiệu trưởng về hưu đã thổ lộ thế này: “Trước đây, mình cứ thắc mắc sao mình làm cái gì cũng tốt nhưng vẫn không vừa lòng cấp trên, họ tìm đủ mọi cách để bắt bẻ, hoạnh họe.

Nhìn sang trường bạn có khi họ chẳng làm được như mình nhưng luôn được khen, nếu sai sót cũng chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng.

Cho đến khi mình chuyển về trường ấy làm hiệu trưởng mới phát hiện ra chứng từ bao năm đều có một khoản tiền tiếp khách khá lớn.

Kế toán cho biết đó là tiền mua quà, phong bì cho mấy sếp ở phòng vào các dịp lễ, Tết, vào các đợt thanh tra.

Mình mới vỡ lẽ vì sao mình không được lòng họ. Bởi chưa bao giờ mình đi biếu quà cho ai, càng không bao giờ lấy tiền tập thể để làm điều đó”.

Nhưng, cũng có không ít các vị hiệu trưởng luôn thấu hiểu trước những nỗi nhọc nhằn, vất vả của giáo viên.

Họ cũng chỉ biết chia sẻ, động viên giáo viên cố gắng thực hiện quy chế chuyên môn cho thật tốt chứ không thể miễn hoặc bỏ bớt hồ sơ sổ sách, không thể bỏ chỉ tiêu thi đua, càng không thể quay lưng với các cuộc thi mà chính họ cũng cho rằng, tất cả những cái đó là hình thức đôi khi là vô bổ”.

Đã có hiệu trưởng nói rằng, “giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ phòng, phòng lại sợ sở…cũng là nỗi sợ đồng lần với nhau cả mà thôi”.

Chúng tôi hiểu, Phòng Giáo dục “hét ra lửa” nhưng khi gặp Sở Giáo dục cũng phải mềm như con chi chi khi vớt ra khỏi nước.

Lời trần tình ấy chúng ta có thể hiểu rằng dù giáo viên có lên án, dư luận có công kích hiệu trưởng lạm quyền, áp lực giáo viên đến đâu cũng chẳng thể thay đổi được gì khi mọi việc đều từ trên áp xuống.

Cần thay đổi từ trên xuống

Chúng ta luôn kêu gọi phải đổi mới giáo dục nhưng biện pháp đưa ra chưa thật sự khả thi. Bởi thế, những bất cập, tồn tại của giáo dục dù được chỉ ra nhưng vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.

Nguyên nhân được cho là, thay vì phải cải tổ từ trên xuống thì mọi người lại có ý định cải tổ từ dưới lên nên những bất cập, những tồn tại của giáo dục bao năm vẫn cứ chình ình ra đấy.

Đơn giản như việc muốn xóa bỏ chỉ tiêu thành tích thì ngay từ Bộ Giáo dục không đưa các chỉ tiêu về cơ sở. Xóa bỏ chuyện ngồi nhầm lớp, Bộ Giáo dục buộc phải bỏ đi những chỉ tiêu chuẩn phổ cập, hiệu quả đào tạo, phổ cập đúng độ tuổi…Xóa bỏ gánh nặng hồ sơ sổ sách, xóa bỏ các cuộc thi thì từ cấp Bộ phải có văn bản hướng dẫn, quy định.

Có thế, Sở mới không thể ép xuống Phòng, rồi Phòng không thể ép về trường được nữa.

Hãy thông cảm cho chúng tôi! Chúng tôi cũng chịu áp lực nhiều từ trên xuống không còn là câu nói của một vài Hiệu trưởng mà như lời phân trần, lời thỉnh cầu gửi đến tất cả mọi người.

Theo Giaoduc.net

TIN LIÊN QUAN