Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng: Người con nặng lòng với quê hương
(Baonghean.vn) - Sinh ra trên mảnh đất xứ Phuống Thanh Chương giàu truyền thống hiếu học, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng không chỉ thành danh trên con đường học vấn, nghiên cứu khoa học, mà trên mỗi chặng đường ông đi đều có hình bóng quê hương với những những trăn trở, đau đáu hướng về.
» Ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Ban Bí thư
» Chân dung tân ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng
Người con xứ Phuống
Người Thanh Giang, Thanh Chương vẫn truyền nhau rằng: “Xã Thanh Giang đầu gối lên rú Hà; thân dựa vào rú Phướn; hai chân choãi dài tới rú Trăm; mắt hướng về phía Bắc - nơi dòng sông Lam ngày đêm xuôi dòng chảy” để nói về địa thế của mảnh đất xưa còn được định danh là xứ Phuống, vốn nức danh với truyền thống khoa bảng, giàu lòng yêu nước.
Những tên đất, tên rú, tên làng ấy đều gợi nhắc về những dấu tích lịch sử đáng ngưỡng vọng, tự hào của người dân nơi đây. Đó là xóm Bình Ngô gắn liền với tên gọi của thành Bình Ngô được Lê Lợi cho xây dựng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh vào thế kỷ XV.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Berthand Lortholary đến thăm, làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: hcma.vn |
Ở Thanh Giang còn có xóm Ba Nghè, nơi có bến thuyền cùng tên là địa điểm mà 3 vị tiến sỹ Nguyễn Tiến Tài (đăng khoa năm 1664), Phạm Kinh Vỹ (đăng khoa năm 1724) và Nguyễn Lâm Thái (đăng khoa năm 1739) đều đi thuyền về vinh quy bái tổ sau khi đỗ đạt.
Thanh Giang nay, xứ Phuống xưa cũng là mảnh đất quê hương của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng. Xuất thân từ vùng quê nghèo nhưng hiếu học, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng không ngừng vun đúc lòng kiên định, bền bỉ, ý chí phấn đấu không mệt mỏi trên con đường học vấn, nghiên cứu khoa học.
Năm 1974, ông đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế học chính trị. Từ năm 1980 -1981, ông là cán bộ nghiên cứu Viện Kinh tế học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau 3 năm nhập ngũ, giáo sư Thắng quay trở lại cơ quan công tác với vị trí là cán bộ nghiên cứu Ban Kinh tế thế giới. Sau đó, ông làm nghiên cứu sinh tại Viện MEMO, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, từ năm năm 1988 -1193, rồi tiếp tục làm cộng tác viên khoa học cho viện này đến năm 1995.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng từng đảm nhiệm các vị trí Trưởng phòng, Phó Tổng biên tập, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) sau khi về nước công tác năm 1995 cho đến khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 22/4/2016.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng dự Ngày sách Việt Nam tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: hcma.vn |
Ông Nguyễn Xuân Thắng có học vị Tiến sỹ kinh tế kinh tế năm 1993 và được phong hàm Phó Giáo sư năm 2002 và Giáo sư năm 2009. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, XII và Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 6/10/2017. |
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng tập trung vào 3 hướng nghiên cứu chính là kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, kinh tế Việt Nam, Hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông đã tham gia, chủ trì nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng cấp Nhà nước, cấp bộ như: Tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam; Lựa chọn chính sách phát triển dịch vụ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh: kinh nghiệm của Hàn Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam…
Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng cũng là tác giả, chủ biên nhiều công trình đã xuất bản như: Kinh tế các nước công nghiệp chủ yếu sau chiến tranh thế giới thứ hai; Một số xu hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế thế giới hiện nay; Sự điều chỉnh chiến lược hợp tác kinh tế của các khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh mới; Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế ở ASEAN; Toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam…
Nặng lòng với quê hương
Dù công tác ở Hà Nội nhưng ông luôn dõi theo những bước đi, bước phát triển của quê nhà. Và bằng kiến thức, uy tín của mình, giáo sư luôn giúp đỡ Nghệ An nhiều nhất có thể.
Tôi vẫn còn nhớ khi xem chương trình “Đối thoại chính sách” được phát sóng trên kênh VTV1 với sự tham gia của các khách mời là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An (lúc đó là ông Hồ Đức Phớc) cùng Chủ tịch UBND Nguyễn Xuân Đường và Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng (lúc đó còn là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Chương trình được thực hiện vào đầu tháng 1/2014 có nội dung bàn về giải pháp thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tức là chỉ hơn 5 tháng sau nghị quyết được ban hành.
Với góc độ người con quê hương, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, ông hết sức phấn khởi khi Nghệ An là một trong số ít các địa phương được Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng. “Điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Nghệ An - một tỉnh rất nhiều tiềm năng; đồng thời là một tỉnh lớn và có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung mà trước hết là của Bắc Trung bộ” - Giáo sư chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Cũng trong chương trình này, các nhà quản lý và đông đảo người dân Nghệ An khá ấn tượng trước những ý tưởng, gợi mở giải pháp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 26 mà Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng trao đổi.
Vị giáo sư quê gốc Thanh Chương cho rằng, ngoài công tác quy hoạch, hạ tầng, cải cách thể chế, tỉnh phải đặc biệt chú ý đánh giá thật đúng tiềm năng để lựa chọn, định vị những lĩnh vực, nhóm sản phẩm, những ưu tiên phát triển.
“Nghệ An không thể phát triển những ngành tương tự như những địa phương xung quanh mà vấn đề là phải thực hiện được những lĩnh vực có tính chất vừa kết nối được cả vùng, vừa là những lĩnh vực phát huy lợi thế nhưng phải dựa trên sự thay đổi của công nghệ, đảm bảo môi trường” - Giáo sư Thắng nói.
Để cùng Nghệ An thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - bấy giờ đang là Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng với Viện đã nhiều lần đến Nghệ An làm việc, tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến từ đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và các lãnh đạo Đảng, nhà nước đã nghỉ hưu cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Việt Nam để thực hiện Đề án Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030.
Hội đồng khoa học đã nghiệm thu và bỏ phiếu xếp loại đánh giá đề tài xuất sắc vào tháng 4/2015. Đây cũng là nguồn cứ liệu quan trọng giúp cho tỉnh Nghệ An thể chế hóa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng còn nhiều lần về cùng đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đã có những kiến giải góp ý hết sức quan trọng, bổ ích cho sự phát triển của quê hương./.
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN |
---|