4 nguyên tắc 'vàng' tránh bị lừa khi mua sắm trực tuyến
Để không xui xẻo vớ phải những món đồ kém chất lượng thì đây là 4 điều bạn tuyệt đối phải nhớ khi mua hàng online.
1. "Chọn mặt gửi vàng"
Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là lựa chọn nhà cung cấp hoặc trang thương mại điện tử tốt, có uy tín để giao dịch. Về căn bản trước khi được phép đưa sản phẩm bên sàn giao dịch, nhà cung cấp đã phải làm việc với sàn giao dịch về những vấn đề chất lượng sản phẩm, chính sách giảm giá, phương thức vận chuyển… Một sàn giao dịch tốt chắc chắn sẽ không để lọt lưới những sản phẩm kém chất lượng để ảnh hưởng tới cả uy tín của mình.
Ngoài ra, người bán còn phải cung cấp đủ cho người mua các thông tin về giá cả, bảo hành, mô tả sản phẩm, địa chỉ trực tiếp, chính sách đổi trả, hoàn tiền… cho người mua có được sự lựa chọn đa dạng nhất. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, bạn hãy chắc chắn là đã nắm rõ tất cả những thông tin này trước khi thực hiện một giao dịch trực tuyến.
Mua sắm trực tuyến tiện lợi nhưng cũng nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa:KT) |
2. “Điều tra” về sản phẩm nếu cảm thấy không yên tâm
Nếu bạn cảm thấy sản phẩm quá “thần kỳ” đến mức khó tin (như các dụng cụ thể dục tại nhà) hay giá khuyến mại quá rẻ, đừng ngần ngại làm một cuộc “điều tra” nho nhỏ với từ khóa là chính sản phẩm bạn đang có ý định mua. Bạn sẽ rất dễ dàng tìm thấy các thông tin về giá và chất lượng sản phẩm từ các nhà cung cấp sản phẩm khác tương tự.
Cần phải trung thực rằng, người bán luôn cố gắng làm nổi bật các ưu điểm của sản phẩm, hàng hóa. Vì thế đôi khi họ “lờ” đi những thông tin không có lợi như thời hạn sử dụng ngắn, bảo hành không rõ ràng, không đổi trả… Vì thế, nếu nghi ngờ băn khoăn điều gì hãy kiểm tra luôn.
3. Thận trọng khi thanh toán
Về nguyên tắc, mua bán trực tuyến là phải thanh toán trực tuyến, thông qua tài khoản ảo trực tuyến hoặc thẻ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bên cạnh thanh toán trực tuyến còn có hình thức thanh toán khi nhận hàng. Nhiều nhà cung cấp cho phép bạn trả tiền khi đã kiểm tra hàng hóa có đúng như mình mong muốn hay không, tuy nhiên, số này không nhiều.
Điều này tưởng như tiện ích nhưng thực chất lại không hề đúng với tiêu chí đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử. Mọi hóa đơn bạn giao dịch đều sẽ được ngân hàng lưu lại làm bằng chứng cho việc mua bán, quyền lợi của bạn sẽ có bằng chứng bảo vệ rõ ràng hơn đấy nhé!
4. Giữ lại hóa đơn sau khi mua hàng
Ngay cả khi đã nhận hàng và thanh toán rồi cũng phải lưu lại hóa đơn bạn nhé. Đây sẽ là bằng chứng, chứng cứ để bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh sau này (ví dụ như bảo hành, đổi trả, hoàn tiền…).
Nếu bạn cho rằng, quyền lợi của mình bị ảnh hưởng bởi nhà cung cấp, đầu tiên hãy báo cáo lên sàn giao dịch nơi bạn thực hiện mua bán. Còn nếu bạn cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm trong quá trình mua sắm trực tuyến, hãy đừng ngần ngại liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|