Thầy Văn Như Cương và triết lý về số không

10/10/2017 08:35

Thầy Cương hóm hỉnh nói sau này mất đi, nhờ học sinh làm bia mộ hình tròn, để nhớ thầy vẽ đường tròn đẹp, coi như cuộc đời toàn vẹn.

Cách đây gần 40 năm, độc giả Nguyễn Quốc Cường đã được học thầy Văn Như Cương và vẫn nhớ những hình tròn thầy vẽ tay mà chính xác như compa, nhớ bài triết lý về số không.

Vậy là thầy đã ra đi, sau thời gian chống chọi với bệnh tật. Thầy ra đi để lại cho nhiều thế hệ học trò, nhiều thế hệ đồng nghiệp sự tiếc thương, sự biết ơn và kính phục. Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy giai đoạn thầy còn giảng dạy ở Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Hà Nội, và những kỷ niệm đó vẫn theo tôi đến bây giờ, góp phần vào sự định hình các quan điểm sống của tôi.

Thời còn ở Đại học Sư phạm Vinh, chúng tôi là con em giáo viên và cán bộ nhân viên trong trường, thường gọi thầy là chú Cương. Chú ra sân đá bóng hay ở bất kỳ nơi công cộng nào hình như có một sự cuốn hút bọn trẻ chúng tôi ghê gớm. Biết chú dạy rất giỏi, nhưng cái cuốn hút chúng tôi là ở phong cách phong trần lãng tử, kèm theo những giai thoại bất tận về chú với những phát ngôn cương trực, đầy tự trọng, châm biếm, dí dỏm và thực tế mà nhiều người truyền miệng.

Chẳng hạn giai thoại chú không thích một giáo viên cùng đoàn thực tập, hướng dẫn môn Văn tuy không giỏi, nhưng cứ hay cho mình giỏi, thiếu khiêm tốn. Một hôm chú tâm sự với thầy kia rằng sẽ cố sinh thằng con trai, đặt tên là mắm. Thầy kia hỏi sao lại đặt như thế, chú trả lời tôi là Văn Như Cương thì nó sẽ là Văn Như Mắm! Sau đó thầy kia có lẽ cũng khiêm tốn hơn.

Thầy Văn Như Cương.
Thầy Văn Như Cương.

Ở Đại học Sư phạm Hà Nội I những năm 1977-1981, tôi là học trò của thầy. Những tiết dạy hình sơ của thầy luôn được sinh viên chờ đợi bởi lối giảng cuốn hút và tác phong tao nhã, với áo hoa thụng bỏ ngoài quần, đội nón lá, để râu quai nón đen dài, đạp xe đến giảng đường, hình như đôi khi có cả guốc mộc.

Thầy trình bày bảng rất đẹp, nhiều tiết từ đầu đến cuối không phải xóa một chữ nào, với nét chữ phóng khoáng, sinh viên thường ngắm bảng viết của thầy, nhiều khi nấn ná xóa khi chuyển tiết. Đặc biệt, thầy vẽ đường tròn sau khi chấm các điểm thì thật tròn, chính xác và đẹp mà chắc ai đã được thấy sẽ không thể quên. Như tôi nhiều năm luyện tập sau khi ra trường cũng không thể làm được như thầy.

Một dịp cuối tiết, thầy nói: "Tôi vẽ vòng tròn nhiều người khen, tròn đến nỗi lấy compa đồ lại thì chẳng trùng tí nào!". Rồi thầy lại hóm hỉnh nói về tương lai, rằng sau này có mất đi, nhờ học sinh làm cho cái bia mộ hình tròn, để nhớ thầy vẽ đường tròn đẹp, coi như cuộc đời đã toàn vẹn, đã hoàn hảo. Sinh viên cứ theo dòng nói chuyện của thầy mải miết. Đến trước lúc nghỉ, thầy mới nói mình muốn nói bia mộ hình tròn cũng có nghĩa là một con số không to tướng!

Chúng tôi ngỡ ngàng vì sự khiêm tốn của thầy mà nhiều người không nhận thấy! Sự khiêm tốn ấy được diễn tả ví von rất nhẹ nhàng, dí dỏm. Cái con số không tròn trĩnh này theo tôi nó hoàn hảo trong việc gửi gắm tâm ý của thầy. Nó hoàn hảo, trọn vẹn như là sự tự thỏa mãn, nhưng nó cũng là sự day dứt như là chưa thỏa mãn, qua đó thể hiện sự khiêm tốn và khao khát cống hiến, như chính lời thầy khuyên chúng tôi qua châm ngôn: Người khôn bắt đầu từ chỗ kết thúc.

Ngày ấy đã trôi qua gần 40 năm trước. Nay thầy đã đi xa. Vâng, viếng thầy tôi chắc chắn rằng sẽ có muôn hoa và những hàng nước mắt, hàng hàng lớp lớp học sinh. Cuộc đời này sẽ thương tiếc nhớ ơn thầy và hiểu rằng chỗ thầy vừa rời đi trên bục giảng hôm nay sẽ là nơi ươm mầm, khởi đầu cho nhiều thế hệ tương lai bước vào đời.

Người Hy Lạp cổ đại khắc khoải về số 0: "Làm thế nào mà cái không có gì có thể là một cái gì đó được?". Với tôi, số 0 của thầy chính là như thế!

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN