Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách vững vàng phát triển trong thời kỳ mới
(Baonghean) - Vượt qua những khó khăn và thách thức, 65 năm qua, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 2017) đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực trên lĩnh vực tư tưởng, tuyên truyền và lan tỏa các phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Chặng đường đó, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Xuất bản, In và Phát hành sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn có sự tiếp bước, vươn lên hoàn thành sứ mệnh.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hoạt động của các đơn vị trong Ngày Sách Việt Nam. |
Lịch sử ngày truyền thống
Dấu mốc đầu tiên của nền xuất bản cách mạng là việc biên soạn, in và phát hành cuốn sách Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm 1927, cùng với sự ra đời của các tác phẩm cách mạng như: Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình, năm 1938 (Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp), Đề cương văn hóa Việt Nam, năm 1943 (Trường Chinh)... Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các nhà xuất bản: Sự thật, Lao động, Vệ quốc quân được thành lập; các cơ sở in: Việt Nam Quốc gia ấn thư cục, Tiến bộ, Trần Phú, Cứu quốc, Lao động lần lượt ra đời. Công tác phát hành trước còn riêng lẻ sau được tập trung thành Tổng phát hành sách báo cứu quốc.
Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, nhu cầu về sách báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, cần có một cơ quan thống nhất điều hành cả ba khâu xuất bản, in, phát hành để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Theo đề nghị của Nha Tuyên truyền Văn nghệ, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Mục tiêu là giải quyết kịp thời việc in ấn, phát hành sách báo, tập trung mọi nguồn lực và khả năng, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, mở ra thời kỳ phát triển mới cho sự nghiệp xuất bản ở nước ta.
Số tên sách tăng nhanh, nội dung sách phản ánh trung thực và sinh động đời sống chiến đấu và xây dựng đất nước của quân và dân ta. Phạm vi phát hành đã mở rộng ra các liên khu, tới các mặt trận, miền xuôi cũng như miền núi, góp phần vào thắng lợi các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ đó, ngày 10/10 trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam.
Người dân TP Vinh đến với Ngày hội Sách. Ảnh: Thành Cường |
Vững bước đi lên
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 Nhà xuất bản là NXB Nghệ An và NXB Đại học Vinh. Có 444 cơ sở in đang hoạt động trên địa bàn, trong đó có 19 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in, 1 đơn vị cấp giấy đăng ký hoạt động ngành in; còn lại là các cơ sở in phun, in kỹ thuật số, photocopy. Có 155 cơ sở phát hành trên địa bàn, trong đó các đơn vị có phạm vi ảnh hưởng lớn như: Công ty CP sách và thiết bị trường học có 3 địa điểm kinh doanh, Công ty CP Phát hành sách có 10 địa điểm kinh doanh, Công ty CP Gia Lai CTC Nghệ An có 3 địa điểm kinh doanh, Công ty CP Văn hóa Huy Hoàng có 2 địa điểm kinh doanh.
Để tăng cường công tác quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2971/QĐ - UBND ngày 13/7/2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành xuất bản – in – phát hành tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020 trong đó có danh mục các đề án, dự án trọng điểm nhằm đưa ngành xuất bản, in, phát hành nói chung và ngành in nói riêng trở thành trung tâm phát triển của vùng Bắc Trung bộ, làm cơ sở để nâng cao hơn nữa công nghệ, kỹ thuật in, nâng cao hơn nữa chất lượng, sản lượng đem lại lợi nhuận lâu dài.
Thời gian qua, Sở đã có rất nhiều hoạt động nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ngành xuất bản, in, phát hành được tiếp cận đầy đủ những quy định mới của pháp luật… Tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, nâng cao hơn nữa nhận thức về quy định pháp luật đối với hoạt động in.
Đặc biệt, trong công tác đào tạo, Sở mạnh dạn đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viện Kỹ thuật Hoá học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở các lớp đào tạo cho người đứng đầu cơ sở in trên địa bàn được cấp chứng chỉ. Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ và tham gia rất đông đảo các chủ cơ sở in không những chỉ trong tỉnh mà còn có sự tham gia của các cơ sở in tỉnh bạn như Quảng Ninh, Thái Bình, Kontum, Thanh Hóa… Trong 2 năm 2015, 2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã mở 2 lớp với tổng số học viên được cấp giấy chứng nhận quản lý 93 người.
Với sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý và sự nỗ lực của các đơn vị, ngành xuất bản, in, phát hành đã đạt được những chỉ tiêu chủ yếu, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường và có bước phát triển trong đổi mới công nghệ và nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động. Nội dung, hình thức xuất bản phẩm có sự cải tiến, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Cơ cấu đề tài hợp lý, phong phú, đa dạng thông tin, mảng sách khoa học kỹ thuật phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng như: “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, “Quê hương trong lòng Bác”, “Ráng đỏ Hồng Lam”, “Năm thế kỷ văn nôm người Nghệ”, “Xuân Diệu - tác giả và di sản văn học”, “Hợp chất thiên nhiên”, “Đổi mới quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh hiện nay”... Các đầu sách đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ngành ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác biên tập bản thảo, đầu tư nhiều thiết bị thuộc các thế hệ mới. Chất lượng, sản lượng in và phát hành cao hơn cùng kỳ năm trước. Sản lượng toàn ngành in 6 tháng đầu năm 2017 đạt gần 8 tỷ trang in tiêu chuẩn (khổ 13 x 19). Doanh thu các đơn vị liên tục tăng, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Nhịp độ tăng trưởng của ngành phát hành xuất bản phẩm cũng đã gia tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, các đơn vị còn thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động, tham gia tích cực các hoạt động công tác xã hội như “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, “nạn nhân chất độc da cam”… Tiêu biểu như Công ty CP sách và thiết bị trường học 6 tháng đầu năm 2017 với tổng số sách bán ra: 3.650.000 đầu, văn hóa phẩm với hơn 1.000 đầu sản phẩm, tổng doanh thu đạt 42 tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Tặng sách cho học sinh các trường miền núi tại huyện Con Cuông. |
Đưa tri thức đến với bản làng
Với sự chung tay góp sức của các đơn vị ngành xuất bản – in - phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực và nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Lễ mít tinh kỷ niệm và các hoạt động trưng bày sách, tặng sách cho các trường học, đồn biên phòng và thư viện xã tại các vùng sâu, vùng xa; vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới hải đảo nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân, góp phần phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Trong 3 năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông đã trao hơn 11.000 cuốn sách tới tận các thư viện trường học, thư viện trại giam, đồn biên phòng vùng sâu, vùng xa; trong đó: tặng hơn 1.600 cuốn sách cho Trường Tiểu học Mường Lống 1; Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Lống, tặng hơn 300 cuốn sách cho Đồn Biên phòng Nậm Cắn, tặng hơn 1.500 cuốn sách cho Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Nậm Nhoóng… đây là món quà rất ý nghĩa đối với các trường học thuộc các huyện nghèo nhất trong tỉnh. Đối với Đồn biên phòng, Sở tặng các đầu sách về pháp luật, cuộc sống, y tế, giáo dục, chăn nuôi, văn học… góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các chiến sĩ công tác ở vùng biên giới.
Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, cán bộ, công nhân ngành xuất bản, in, phát hành tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn, đưa sự nghiệp của ngành phát triển trong thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Bá Hảo - PGĐ Sở TT&TT
TIN LIÊN QUAN