Kịch bản ngoài dự đoán ở Tây Ban Nha

11/10/2017 19:30

(Baonghean) - Tối 10/10, sự chú ý của cộng đồng quốc tế đổ dồn về Tây Ban Nha, nơi Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont có bài phát biểu trước cơ quan lập pháp địa phương.

Ngoài dự đoán của giới phân tích, Puigdemont đã không đơn phương tuyên bố độc lập, mà đưa ra một lựa chọn trung gian - tuyên bố độc lập nhưng hoãn thực hiện. Động thái được cho là sẽ mở ra cánh cửa đối thoại giữa vùng Catalonia với chính quyền trung ương, dù khả năng này vẫn chưa được định hình rõ nét.

Sự lựa chọn khôn ngoan

Trong bầu không khí căng thẳng với máy bay trực thăng bao quát phía trên, cảnh sát Catalonia được trang bị súng trường tự động phong tỏa trụ sở lập pháp phía dưới, Thủ hiến Carles Puigdemont đã xuất hiện chậm một giờ đồng hồ so với kế hoạch. Theo nguồn tin nội bộ của chính quyền vùng tự trị này, ông Puigdemont đã phải dành thời gian để trao đổi thêm với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và đại diện các phong trào ở Catalonia.

Không rõ có phải do tác động của những cuộc trao đổi này hay không mà ông Carles Puigdemont đã đưa ra một tuyên bố không như những gì mà dư luận chờ đợi, đó là lời hứa hẹn “Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập”. Dù vậy, thời hạn Catalonia trở thành quốc gia độc lập như vậy lại được để ngỏ “trong một vài tuần tới” để tiến hành đàm phán với Chính phủ Tây Ban Nha.

Thủ hiến Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập, nhưng lại hoãn thực hiện ngay sau đó. Ảnh: Reuters
Thủ hiến Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập, nhưng lại hoãn thực hiện ngay sau đó. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của ông Carles Puigdemont được xem là một phương án trung gian, không hẳn là tuyên bố độc lập, cũng không hẳn là từ bỏ mục tiêu ly khai. Dù tuyên bố này khiến những người ủng hộ độc lập ở Catalonia giận dữ, song lại được giới phân tích đánh giá là lựa chọn khôn ngoan và hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay. Không thể phủ nhận tuyên bố độc lập là ý chí chính trị rất mạnh mẽ của giới cầm quyền ở Catalonia, đặc biệt là của Thủ hiến Carles Puigdemont, song bối cảnh hiện tại buộc ông phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Thứ nhất, những cuộc tuần hành rầm rộ của phe phản đối độc lập – vốn tự nhận là “đám đông im lặng” - trước thời điểm ông Carles Puigdemont có bài phát biểu đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ Catalonia. Điều đó khiến cơ sở để ông Carles Puigdemont tuyên bố độc lập là kết quả cuộc trưng cầu ý dân trở nên thiếu vững chắc, không những vậy còn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột giữa chính các lực lượng tại Catalonia.

Thứ hai, dù các quốc gia đều đưa ra phản ứng rất thận trọng, song có thể nhận thấy việc đơn phương tuyên bố độc lập của Catalonia không giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ngay Liên minh châu Âu vốn luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên cũng phải hiếm hoi phá lệ khi chỉ trích các bước đi của vùng Catalonia và kêu gọi hai bên đàm phán.

Thứ ba, chính quyền Tây Ban Nha tỏ ra hết sức cứng rắn và sẵn sàng tiến hành các bước đi cần thiết nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, trong đó có phương án chưa từng có tiền lệ là đình chỉ quyền tự trị của Catalonia, giải tán cơ quan lập pháp và tiến hành bầu cử, thậm chí là bắt giữ Thủ hiến Puigdemont. Bởi vậy, việc tuyên bố độc lập sẽ là một bước đi nhiều rủi ro, có thể chủ nghĩa dân tộc, vùng miền được thỏa mãn nhưng lại đẩy vùng tự trị này vào một tương lai bất định.

Chờ đợi gì ở đối thoại?

Tuyên bố của ông Carles Puigdemont có thể khiến châu Âu tạm thời thở phào nhẹ nhõm, bởi thời hạn “trong một vài tuần tới” mà ông Puigdemont nhắc đến đồng nghĩa với một cơ hội để chính quyền trung ương và chính quyền Catalonia tìm kiếm một giải pháp bớt đối đầu hơn. Các quan chức châu Âu nhận định rằng ông Puigdemont đã không đẩy mọi chuyện đến chỗ không thể cứu vãn. Trong khi đó, bản thân ông Puigdemont cũng thừa nhận, “chúng ta phải bắt đầu đàm phán vì nếu không làm vậy có thể chúng ta sẽ không bao giờ đạt được các mục tiêu của mình”.

Theo giới phân tích, mục đích của mọi diễn biến chính trị tại Catalonia thời gian qua chung quy lại cũng là xuất phát từ ý muốn của giới cầm quyền về việc có quyền lực tự trị mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, phe ủng hộ ly khai ở Tây Ban Nha cũng không muốn “chơi một canh bạc rủi ro” mà họ có nguy cơ thua trắng tay, thay vì đưa chính quyền Tây Ban Nha ngồi vào bàn đàm phán và đưa ra một số nhượng bộ về quyền lực.

Thực ra, từ trước thời điểm ông Carles Puigdemont có bài phát biểu quyết định trước cơ quan lập pháp địa phương, giới chức Catalonia đã nhiều lần “bắn tiếng” tới chính quyền Tây Ban Nha về việc họ sẵn sàng đối thoại, tốt nhất là với sự trung gian của Liên minh châu Âu. Tuy vậy, chính quyền Tây Ban Nha đã từ chối mọi đề xuất với lý do sẽ không đàm phán về một hành động vi hiến.

Những người ủng hộ độc lập chờ đợi tuyên bố của Puigdemont bên ngoài trụ sở chính quyền. Ảnh: AP
Những người ủng hộ độc lập chờ đợi tuyên bố của Puigdemont bên ngoài trụ sở chính quyền. Ảnh: AP

Nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ chính quyền Tây Ban Nha cũng cần phải có một số nhượng bộ, bởi thời hạn “vài tuần” mà ông Puigdemont đưa ra là cơ hội duy nhất họ có thể nắm lấy để đưa mọi chuyện quay trở lại trật tự. Cho đến nay, quan điểm hiện tại của chính quyền Tây Ban Nha vẫn rất cứng rắn. Nhưng châu Âu nhiều khả năng sẽ tạo sức ép đối với Madrid, bởi sự bế tắc và căng thẳng hiện nay không chỉ ảnh hưởng tới một mình Tây Ban Nha và ảnh hưởng tới cả châu Âu.

Ở trong nước, người dân Tây Ban Nha có lẽ cũng đang chờ đợi vị Thủ tướng của mình hành động nhiều hơn, thay vì chỉ bám vào những quy định của hiến pháp. Trên thực tế, hầu như giới quan sát đều cho rằng, giải pháp tốt nhất là hai bên đối thoại và đưa ra các nhượng bộ, phía Catalonia cam kết không ly khai còn chính quyền Tây Ban Nha trao nhiều quyền hơn cho vùng tự trị Catalonia, đặc biệt về việc kiểm soát thuế.

Có thể nói, kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của vùng Catalonia, mọi ánh mắt của châu Âu và thế giới vẫn đang đổ về Tây Ban Nha. Nhưng giờ đây, tâm điểm đang tạm thời chuyển từ Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sang Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Tại thời điểm quan trọng nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ của nền dân chủ, ông Rajoy liệu có nắm bắt cơ hội đối thoại và chứng minh rằng chính phủ của ông có thể có cách xử lý khủng hoảng phù hợp, xứng đáng với vị trí cao của Tây Ban Nha ở Liên minh châu Âu?

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN