PGS Văn Như Cương - Tác giả một trong 3 đề thi Toán Olympic quốc tế IMO hay và khó

12/10/2017 07:56

GS Trần Văn Nhung: 'Mặc dù không được học trực tiếp PGS. TS. Văn Như Cương, nhưng tôi vẫn luôn gọi Ông bằng Thầy, người Thầy theo mọi nghĩa: Toán học, sư phạm, văn thơ, đạo làm người, ...'

Thầy Toán đa tài xứ Nghệ

Tôi sinh ra ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Nho tướng, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (quê Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), đã có công lao to lớn mộ phu, lãnh đạo dân nghèo quai đê lấn biển lập ra hai huyện mới Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) vào những năm 1823-1829.

Trong làng tôi (Lạc Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình), nơi có đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ, mỗi khi nhắc lại công, tài, đức của Cụ, mọi người thường nói Cụ là người đa tài, nhân văn và “gàn gàn”, theo nghĩa tốt đẹp và cá tính của những từ này. Tôi xin phép được nói thế này: Là con cháu hậu thế, là "học trò" của Cụ Nguyễn Công Trứ, nhà giáo Văn Như Cương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng có những nét hao hao, đặc trưng và đáng yêu “Nghệ - Tĩnh” của Nho tướng, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Tôi đã may mắn có một số lần được gặp gỡ, nói chuyện, cùng tọa đàm, thậm chí còn được hầu rượu thầy Văn Như Cương. Thầy rất độc đáo và có tửu lượng cao. Nói chuyện với Thầy ai cũng thấy rất thú vị và ấn tượng, vì thầy có trí tuệ uyên bác về nhiều lĩnh vực, luôn có ý tưởng, ngôn từ, phản xạ, cách nói độc đáo, độc đáo đến ngạc nhiên, và bất ngờ, bất ngờ đến thú vị, mà khó gặp ở nơi khác, người khác. Điều bất ngờ bao giờ cũng tạo ra cái thú vị. Thú vị một cách bất ngờ và bất ngờ một cách thú vị.

Ngày trước thầy hay uống rượu vodka của Nga, đã nâng ly đầy lên là "cạn" và tạo ra một quá trình liên tục. Sau tôi nói với thầy, nếu vodka chính hiệu của Nga thì rất thơm, ngon và không có hại cho sức khỏe, nhưng nếu vodka rởm thì nguy hại. Nghe tôi, thầy chuyển dần sang uống rượu whisky Scotland thật hoặc rượu vang đỏ xịn. Khi uống, thầy rất ít ăn. Đó là bệnh chung của những người nghiện rượu. Có thể đó cũng là một trong các lý do khiến gan thầy yếu đi nhanh, rồi mắc bệnh ung thư gan trong 3 năm gần đây. Cách đây mấy tháng, ngày 2/3/2017, tôi đã vào bệnh viện Vinmec Hanoi thăm thầy. Mặc dù đã yếu, nhưng thầy rất tỉnh táo, mắt rất sáng và nói chuyện rất vui.

GS. Trần Văn Nhung - tác giả bài viết - đến thăm PGS. Văn Như Cương tại bệnh viện ngày 2/3/2017.
GS. Trần Văn Nhung - tác giả bài viết - đến thăm PGS. Văn Như Cương tại bệnh viện ngày 2/3/2017.

Thầy Văn Như Cương, một trong những người tôi kính trọng và tặng sách

Tôi và hai đồng nghiệp của mình, Đỗ Trung Hậu và Nguyễn Kim Chi, đã dành công sức và một phần thời gian trong năm 1999 để dịch cuốn sách “Câu chuyện hấp dẫn về Bài toán Phéc-ma” từ tiếng Anh ra tiếng Việt (NXB GD VN, Hà Nội, được xuất bản lần đầu năm 2000, đến năm 2012 đã được tái bản đến lần thứ sáu, 178 trang khổ 14,3 x 20,3 cm).

Khi cuốn sánh này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000, tôi đã gửi tặng nhiều nhà toán học bậc thầy, đàn anh và bạn bè, đồng nghiệp ở Việt Nam.

Theo yêu cầu, tôi cũng đã gửi hai cuốn đến NXB “Bốn bức tường Tám cửa sổ” ở New York, Hoa Kỳ (nơi xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh), để họ yên tâm về chất lượng dịch thuật và xuất bản tại Việt Nam. Một số người đã có lời cảm ơn khi nhận được sách tặng và còn khen bản dịch của chúng tôi.

Tôi cũng đã gửi tặng cuốn sách này đến một số nhà toán học Việt nam như GS. Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Cảnh Toàn, GS. Phan Đình Diệu, GS. Nguyễn Đình Trí, GS. Đoàn Quỳnh, GS. Hoàng Xuân Sính (nhà nữ toán học Việt Nam đầu tiên), GS. Hồ Ngọc Đại, GS. Ngô Bảo Châu, GS. Nguyễn Văn Khuê, GS. Hà Huy Khoái, GS. Nguyễn Duy Tiến, GS. Đỗ Long Vân, PGS. Phan Đức Chính, PGS. Văn Như Cương,... và các đồng nghiệp, bè bạn của mình.

Tác giả một trong 3 đề thi Toán Olympic quốc tế IMO hay và khó

Trong số những thầy, cô giáo toán được kể ở phần 2 ở trên, tôi muốn nói thêm về thầy Văn Như Cương. Cách nói, viết và tư duy của PGS. Văn Như Cương thường gây ấn tượng mới và đẹp trong tôi, vì Anh luôn có những ý tưởng độc đáo trong toán học, giáo dục và ngoài đời.

GS. Hoàng Xuân Sính là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Olympic Toán Quốc tế (IMO) năm 1982 được tổ chức tại Budapest (Hungary). Khi đó tôi đang làm nghiên cứu sinh tại đây. GS. Sính kể lại: Lần đó Việt Nam có đóng góp một đề toán hình học rất hay nhưng khó quá, mà đề này do PGS. Cương sáng tác (có sự đàm đạo với GS. Đoàn Quỳnh và GS. Hoàng Xuân Sính). Vì bài toán này rất khó và độc đáo, nên nhiều nước muốn loại nó ra khỏi sáu bài toán của đề thi năm đó.

Tuy nhiên, GS. Viện sĩ người Hungary R. Alfred, Viện trưởng Viện Toán học, Viện HLKH Hungary, Chủ tịch Olympic Toán quốc tế năm 1982, vẫn quyết định giữ lại bài toán này của Việt Nam, của thầy Cương và khen rất hay! (“a very nice problem!”).

Trên chặng đường 43 năm qua tham dự IMO (1974 - 2017), các thầy cô giáo Việt Nam không chỉ đào tạo, bồi dưỡng và dẫn các em đi dự thi mà còn đủ năng lực để tham gia bình đẳng với cộng đồng quốc tế IMO:

Đã có 3 bài toán khó và hay do Việt Nam đề nghị được chọn làm một trong các bài toán thi IMO, đó là năm 1977 (bài của PGS. TS. Phan Đức Chính, vừa qua đời ngày 26/8/2017, hưởng thọ 82 tuổi), năm 1982 (của PGS. TS. Văn Như Cương) và năm 1987 (của TS. Nguyễn Minh Đức, huy chương bạc IMO 1975). Những năm gần đây, vì nhiều lý do, Việt Nam không gửi đề tham gia nữa.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN