Sự cố sạt trượt đường ở Hưng Nguyên: cần rà soát lại các vị trí xung yếu

13/10/2017 07:02

(Baonghean) - Khoảng hơn 100m đường tại đoạn Km4+40 đến Km4+500n công trình nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ Khu Di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (xã Hưng Thông) đến xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyênbị sạt trượt vỡ toác, hư hỏng nặng.

Điểm sạt trượt trên tuyến đường từ xã Hưng Thông đến xã Hưng Nhân.
Điểm sạt trượt trên tuyến đường từ xã Hưng Thông đến xã Hưng Nhân.

Hiện trạng sạt lở

Sự cố xảy ra vào ngày 30/9/2017 và cho đến thời điểm hiện tại, hiện trường xảy ra sạt trượt vẫn được giữ nguyên vẹn. Qua đó cho thấy, đây là một vụ việc hư hỏng đường giao thông nghiêm trọng. Bề mặt của đường rộng khoảng 6m, phần còn lại khoảng hơn 1/3 vẫn còn có những vết nứt kéo dài hàng chục mét; phần kia, đã vỡ oác, tụt sâu về phía kênh thủy lợi khoảng vài mét.

Tìm hiểu qua những người dân huyện Hưng Nguyên thường xuyên qua lại tuyến đường này, họ cho biết, đây là con đường nối các xã Hưng Thông, Hưng Tiến, Hưng Châu, Hưng Nhân. Đường có từ rất lâu, qua sử dụng đã được tu bổ nhiều lần và từng được nhựa hóa. Năm 2015 - 2016, Nhà nước đầu tư kinh phí nâng cấp, mở rộng. Vậy nhưng không hiểu vì sao khi đưa vào sử dụng một thời gian chưa lâu lại xảy ra sự việc nứt, lún sạt trượt ghê gớm đến như vậy.

Kiểm tra chi tiết nền đường bị sạt trượt, có thể dễ dàng xác định được nền đường cũ như người dân đã phản ánh. Kết cấu của nền đường cũ gồm đá dăm, nhựa dày khoảng 20 - 30 cm. Còn về kết cấu của bề mặt đường mới được nâng cấp ở điểm sạt trượt cho thấy, trên bề mặt đường cũ đã được đơn vị thi công rải đá dày khoảng trên 30cm; sau đó, được rải một lớp đá dăm, nhựa dày khoảng 3 - 5 cm.

Quan sát bằng mắt thường, thấy cung đường nơi có điểm sạt trượt, dài khoảng 500m, nằm trên một địa hình, địa thế khá phức tạp. Một bên là núi đá có độ dốc tương đối lớn, một bên là con kênh thủy lợi rộng khoảng trên 20m, độ sâu khoảng 6 - 8m.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ Khu Di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông đến Khu Di tích Phạm Hồng Thái (Hưng Nguyên) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4876/QĐ.UBND-GT ngày 26/10/2015. Đây là công trình giao thông cấp VI đồng bằng, có chiều dài 5,44km, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư là 68 tỷ đồng. Công ty CP tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Vĩnh Phát là nhà thầu tư vấn khảo sát thiết kế, lập dự toán. Công ty CP xây dựng Tân Nam là nhà thầu thi công. Cho đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng trên 80% khối lượng; đã giải ngân khoảng trên 70%.

Ngành chuyên môn nói gì?

Ngày 2/10, UBND huyện Hưng Nguyên có Báo cáo số 1074/UBND.DA báo cáo UBND tỉnh, qua đó đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xem xét và đề ra giải pháp xử lý. Ngày 3/10/2017, UBND tỉnh có Công văn số 7576/UBND-CN giao Sở GTVT chủ trì kiểm tra đề xuất của UBND huyện Hưng Nguyên.

Để thực hiện nhiệm vụ tại Công văn số 7576, Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế đến hiện trường thực hiện khoan 5 mũi khoan trên 3 mặt cắt để qua đó xác định chính xác nguyên nhân.

Từ việc khoan thăm dò, tại Báo cáo số 3082/SGTVT-QLCL gửi UBND tỉnh ngày 9/10/2017, Sở GTVT có kết luận: “Qua kết quả khoan địa chất, đồng thời với xem xét tại hiện trường, và một số hồ sơ tài liệu liên quan có thể đưa ra một số yếu tố bất lợi kết hợp với nhau dẫn đến sạt trượt như sau: Qua thể hiện địa chất tại các lỗ khoan cho thấy nền đường nằm trên sườn đá có độ dốc về phía kênh; hơn nữa nền đường là sét và sét lẫn dăm sạn là loại đất có độ trương nở lớn và góc ma sát trong của đất giảm mạnh khi gặp nước làm giảm yếu lớp tiếp xúc giữa nền đắp trên đá rất dễ bị trượt, dẫn đến sạt lở khi gặp mưa với tần suất lớn;

Trong thời gian qua, thời tiết mưa nhiều làm nước trong kênh dâng ngấm vào nền đường, khi mưa ngừng, nước trong kênh rút nhanh nhưng lượng nước ngấm vào nền đường chưa thoát kịp gây mất cân bằng áp lực kết hợp các yếu tố bất lợi về địa hình, địa chất như đã nêu trên dẫn đến sạt trượt; mặt khác, do người dân san lấp mặt bằng (theo báo cáo của chủ đầu tư) dẫn đến đọng nước tại rãnh bên phía núi cùng góp phần làm nước ngấm một phần vào nền đường”.

Cũng tại Báo cáo 3082/SGTVT-QLCL, Sở GTVT thông tin, tuyến đường được thiết kế chủ yếu mở rộng và tăng cường kết cấu trên mặt đường cũ. Đối với đoạn xảy ra sạt lở thiết kế mở rộng và tăng cường trên mặt đường cũ với chiều cao trung bình từ 30 - 50cm so với mặt đường cũ, tim tuyến dịch về phía núi 2,5m để đủ chiều rộng, phần nền đường phía kênh giữ nguyên theo hiện trạng, không mở rộng. Đoạn xảy ra sạt lở, nền và mặt đường đã được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành hạng mục vào ngày 11/6/2016. Qua kiểm tra một số vị trí về chiều dày kết cấu áo đường tại đoạn sạt lở cho thấy đơn vị thi công đảm bảo theo hồ sơ thiết kế.

Đồng thời, đề ra giải pháp là đề nghị UBND tỉnh cho phép làm tường chắn chân bằng bê tông phía bờ kênh có móng ngàm vào đá để giữ ổn định chân ta-luy. Đào thay toàn bộ phần đất đã sụt, thay bằng đắp đất có độ thoát nước tốt đầm chặt lại nền đường theo đúng quy định.

Lo cho cung đường sát núi, sát kênh

Dù Sở GTVT đã chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến sạt trượt và giải pháp khắc phục sự cố. Tuy nhiên một băn khoăn là tại sao trước khi thực hiện thi công, nhà thầu tư vấn thiết kế không phát hiện ra cung đường này nằm trên một địa hình, địa thế bất lợi như vậy để có giải pháp xử lý?

Theo đại diện của cơ quan liên quan thì công tác khảo sát địa chất được đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện đầy đủ. Đó là 1 km đường đã khoan 2 lỗ khoan thăm dò địa chất; đã có báo cáo chi tiết từng vị trí lỗ khoan, được các đơn vị chuyên ngành thẩm định, phê duyệt. Kề cận vị trí có được khoan thăm dò 1 lỗ.

6 Trên bề mặt đường còn lại ở điểm sạt trượt, vẫn còn những vết nứt lớn.
Trên bề mặt đường còn lại ở điểm sạt trượt, vẫn còn những vết nứt lớn.

Qua hồ sơ lưu trữ, thì công tác khảo sát thăm dò địa chất đảm bảo đúng quy định. Dù vậy, từ hiện trường vụ sạt trượt thấy rằng việc khảo sát địa hình, địa thế và thực hiện thăm dò địa chất vẫn còn có sự chủ quan.

Đó là cung đường có điểm sạt trượt nằm sát núi đá có độ dốc cao; bên cạnh đó, còn nằm cạnh kênh thủy lợi có bề rộng lớn và sâu. Với một địa hình, địa thế như vậy, cần phải được đánh giá riêng; đề nghị cấp thẩm quyền cho phép được khảo sát thăm dò địa chất như đối với đường miền núi, và đề ra giải pháp xử lý tối ưu nhất.

Vì vậy, đây rõ ràng là một bài học trong xây dựng hạ tầng giao thông cần được các bên liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Cũng qua thực tế, có một vấn đề cần trao đổi thêm đó là toàn bộ cung đường nơi có điểm sạt trượt có vị trí phức tạp, sát núi sát kênh với tổng chiều dài khoảng 500m. Hiện đã sạt trượt mất hơn 100m, liệu phần còn lại dài khoảng 400m có đảm bảo khi thời tiết tiếp tục có diễn biến xấu, mưa lũ liên tục xảy ra?

Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế cần thiết phải rà soát toàn bộ cung đường này, có đánh giá và báo cáo cụ thể.

Trường hợp nếu phát hiện sự bất thường, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền các giải pháp xử lý, qua đó đảm bảo việc an toàn giao thông, và không để xảy ra sự cố như vừa qua.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN