Nghị lực và tấm lòng hiếu thảo chàng trai bị cưa chân
(Baonghean.vn) - Trên chuyến xe từ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An), nắm chặt đôi nạng và số tiền ít ỏi trợ cấp hàng tháng, Lê Hà Tiền bần thần "tuy không đủ tiền chữa bệnh cho bố em nhưng cũng không biết phải làm sao nữa chị ạ"…
Ở làng phong Quỳnh Lập, Lê Hà Tiền (người cầm nạng) được người dân biết đến là một người con hiếu thảo, nghị lực vươn lên trong học tập. Ảnh: Chu Thanh |
Ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, không ai là không biết đến tấm lòng hiếu thảo, nghị lực hơn người của chàng trai Lê Hà Tiền (1991). Tuy mắc bệnh phong phải cưa chân, lại bị hẹp bàng quang, không kiểm soát được việc tiểu tiện nhưng Tiền vẫn vươn lên vượt khó học tập.
Không thể trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Vinh nhưng Tiền vẫn kiên trì theo đuổi sở thích khám phá công nghệ của bản thân bằng cách trở thành sinh viên trường Cao đẳng nghề số 4. Vượt lên những mặc cảm, tự ti, sau 3 năm kiên trì, nỗ lực không ngừng vươn lên trong học tập, Tiền đã tốt nghiệp bằng với tấm bằng khá. Những tưởng, ra trường, em có thể làm việc kiếm tiền báo đáp công ơn của bố và dân làng phong Quỳnh Lập thì tai họa một lần nữa đổ xuống gia đình em.
Trên chuyến xe xuống Vinh, Tiền kể cho chúng tôi nghe cuộc đời bấp bênh của hai bố con. Sinh ra trong gia đình nghèo ở Quảng Ngãi nhưng không may cả 2 bố con đều mắc bệnh phong, bố đã dẫn Tiền đến trại Phong Quỳnh Lập chữa bệnh, tìm con chữ đã được 16 năm nay.
“Căn bệnh quái ác khiến chân em bị hoại tử. Một chân đã cưa đi nhưng chân còn lại vẫn phải điều trị. Do đang tuổi phát triển nên cứ cách một thời gian thì em lại phải ra Hà Nội đi cưa phần xương mọc dài ra. Những lúc này chỉ có bố em đi theo chăm sóc”, Tiền kể.
Cách đây 5 tháng, trong một lần đưa Tiền ra Hà Nội chữa bệnh,nhận thấy các triệu chứng của ông Lê Thành, bố Tiền, các bác sỹ ở bệnh viện Da liễu Trung ương khuyên ông nên đi Bạch Mai khám. Lúc ấy, mới phát hiện ông Thành bị bệnh hở van tim. Khi biết để chữa bệnh phải mất hàng trăm triệu đồng, ông Thành đã xin bệnh viện thuốc cho về điều trị tại gia.
Tuy mới mổ cắt xương, vết thương cần có thời gian hồi phục nhưng Tiền vẫn cố nhịn đau xuống Vinh chăm sóc bố. Ảnh: Chu Thanh |
“Nhà không có tiền. Việc học của em hoàn thành được cũng là nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Ngoài số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng thì gia đình không có thêm bất cứ thu nhập gì” Tiền trầm ngâm.
Bản thân Tiền sau khi tốt nghiệp đã chủ động đến xin học việc tại một xưởng in trên đường Đặng Thái Thân. “Em muốn kiếm tiền báo đáp công ơn của bố, giúp đỡ những bà con ở Quỳnh Lập. Nhưng làm chưa được bao lâu thì em phải ra Hà Nội cưa chân rồi phát hiện bố bệnh nặng nên đang phải nghỉ việc”, Tiền tâm sự.
Tiền ra viện về đến nhà được mấy hôm thì ông Thành ngã bệnh phải đi cấp cứu rồi được chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Mặc dù vết thương mới mổ cần phải được tĩnh dưỡng, nhưng Tiền vẫn quấn khăn vào cái chân mới cưa rồi lắp chân giả xuống Vinh chăm sóc cho bố.
Cắn răng nén đau, Tiền mang đôi nạng di chuyển ngược xuôi cả trăm cây số để lo cho bố. “Em về Quỳnh Lập là lấy tiền trợ cấp cả tháng của 2 bố con rồi xuống Vinh ngay. Cả đời bố đã hy sinh vì em, em chẳng biết báo đáp như thế nào cho đủ. Bố là điểm tựa của em, em không dám nghĩ mình sẽ ra sao nếu bố không còn nữa!” Tiền rưng rưng.
Nắm chặt trong tay số tiền gần 2 triệu đồng trợ cấp, những nỗi lo hằn sâu trên gương mặt chàng trai trẻ khi biết chắc rằng số tiền này không đủ để chữa bệnh cho bố nhưng đành lực bất tòng tâm.
Điều ước duy nhất lúc này của Tiền là chỉ mong sao bố nhanh khỏe mạnh. Ảnh: Chu Thanh |
Xe khách dừng bánh, Tiền nhanh chóng di chuyển đến khoa tim mạch chăm bố. Ngồi trên giường bệnh, người đàn ông khắc khổ nở nụ cười niềm nở khi thấy chúng tôi đến thăm ông.
Đôi mắt đã mờ đục, những câu nói ngắt quãng vì cơn ho đến xé lòng, người đàn ông hơn 70 tuổi cười buồn “Tôi già rồi đằng nào cũng chết thì thế nào cũng được. Tôi chỉ thương thằng Tiền, cả đời tôi chỉ mong nó được khỏe mạnh. Cái bệnh hẹp bàng quang của nó chữa được nhưng nhà đã không có tiền, bệnh của tôi lại thế này nên tiền lại dồn vào thân già của tôi. Thôi thì giờ ra sao thì ra, không có thì bóp bụng tự xoay xở…”.
Chu Thanh
TIN LIÊN QUAN |
---|