Tác động của Đại hội 19 tới quan hệ Trung - Mỹ

18/10/2017 12:26

Đại hội 19 nhiều khả năng sẽ củng cố quan điểm quyết đoán của ông Tập trong quan hệ đối ngoại và thương mại với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh từ ngày 18/10 để bầu ra những người lãnh đạo đất nước trong nhiều năm tới. Kết quả của sự kiện chính trị lớn nhất Trung Quốc này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong một loạt vấn đề then chốt, từ cuộc khủng hoảng Triều Tiên tới thương mại song phương, theo US News.

Cây bút Michael Schuman cho rằng chính quyền Donald Trump nhiều năm qua đã gây sức ép lên Trung Quốc trong những vấn đề này nhưng đến nay hầu như không có tiến triển. Bắc Kinh vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc gia tăng sức ép lên đồng minh Bình Nhưỡng kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa. Giới lãnh đạo Trung Quốc đến nay vẫn không sẵn sàng nhượng bộ Mỹ trong vấn đề thương mại, bất chấp tổng thống Trump từng dọa áp đặt hàng rào thuế quan với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc để cắt giảm thâm hụt thương mại với nước này.

Giới quan sát kỳ vọng rằng khi Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn thiện bộ máy lãnh đạo trong kỳ đại hội này, ông sẽ có thiện chí hơn trong quan hệ đối ngoại và thương mại với Mỹ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho hai nước.

Tuy nhiên, Schuman cho rằng sau Đại hội 19, Bắc Kinh sẽ áp dụng chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán để thúc đẩy lợi ích của họ cũng như thách thức vị thế dẫn đầu về kinh tế và chính trị của Mỹ ở châu Á và trên toàn thế giới.

Theo Schuman, sau Đại hội này, ông Tập sẽ củng cố thêm quyền lực và có thể định hướng chính sách Trung Quốc vững chắc hơn so với nhiệm kỳ 5 năm trước, có thể khiến Trung Quốc có cách tiếp cận cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Đến nay, chính quyền ông Tập đã ghi dấu ấn bằng việc đưa chủ nghĩa dân tộc vào trong các mối quan hệ kinh tế và đối ngoại với thế giới. Chủ tịch Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của nước này thông qua thúc đẩy các sáng kiến và thể chế toàn cầu như thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB), hay đề xướng Sáng kiến "Vành đai và Con đường" kết nối kinh tế Trung Quốc sâu rộng hơn với châu Âu và châu Á thông qua các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

Với việc chính quyền Trump giảm bớt ảnh hưởng ở châu Á, ông Tập đã thể hiện sự quyết đoán ngày càng lớn trong quan hệ với các nước trong khu vực.

"Trung Quốc sẽ có tiếng nói lớn hơn và có sức nặng hơn", Scott Kennedy, giám đốc Dự án Kinh tế và Chính trị Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), nhận định.

Trong hồ sơ Triều Tiên, vấn đề khiến chính quyền Trump đau đầu nhất hiện nay, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phản đối việc gia tăng sức ép với Triều Tiên. Washington đã hối thúc Bắc Kinh hạn chế giao thương với Triều Tiên để tăng sức ép buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và chấm dứt các hành động khiêu khích.

Dù đã tuân thủ chặt chẽ hơn các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong năm nay nhằm buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán, chính sách ủng hộ đồng minh lâu đời của Trung Quốc hầu như sẽ không thay đổi đáng kể sau Đại hội 19.

"Về cơ bản, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên vẫn không thay đổi trong hai thập kỷ qua và sẽ tiếp tục được duy trì thời gian tới", chuyên gia Kennedy nhận định.

Trong chính sách thương mại, ông Tập sau Đại hội 19 sẽ có vị thế lớn hơn để tập trung vào vấn đề kinh tế cũng như thúc đẩy các cải cách cần thiết nhanh hơn, gồm cả kiểm soát tình trạng nợ quốc gia đang gia tăng, giảm số nhà máy dư thừa và cải thiện hoạt động doanh nghiệp quốc doanh.

Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng dù ông Tập đã công khai cam kết đi đầu trong thúc đẩy thương mại tự do ở nước ngoài và mở cửa thị trường trong nước, cho đến nay Trung Quốc vẫn duy trì mức độ kiểm soát lớn của nhà nước với nền kinh tế và hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên thông qua cơ chế ưu đãi và bảo hộ. Trong khi đó, ông Tập vẫn chưa quan tâm đến việc mở cửa thị trường trong nước vốn bị hạn chế với các công ty nước ngoài hoặc đối xử bình đẳng hơn với các công ty này.

Chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pitchard và Mark Williams thuộc Trung tâm nghiên cứu Các nền kinh tế Tư bản lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi đáng kể sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế và thương mại, điều đang gây căng thẳng với các đối tác thương mại nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Theo Schuman, các chiến lược gia Mỹ sẽ phải theo dõi rất sát sao Đại hội 19 của Trung Quốc, để từ đó có những chiến lược cho mối quan hệ hai nước trong giai đoạn mới, vốn được nhiều chuyên gia phân tích gọi là "Thời đại Tập Cận Bình".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN