Xử lý người đứng đầu nếu để tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông

18/10/2017 14:43

(Baonghean.vn) - Tái lấn chiếm vỉa hè, khó di dời cột điện trong hành lang ATGT là 2 vấn đề "nóng" được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác giải tỏa hành lang ATGT.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Cảnh Nam
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến về công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Ảnh: Cảnh Nam
Ngày 18/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị.

Tái lấn chiếm hành lang ATGT diễn ra nhiều nơi

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 56 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 136 của UBND tỉnh về công tác giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, các cấp, ngành và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, công tác trên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, một số địa phương, đơn vị triển khai còn mang tính hình thức, chưa đồng bộ, sâu rộng; vì vậy tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT còn nhiều.

Lý giải về vấn đề tái lấn chiếm hành lang ATGT, từ điểm cầu trực tuyến TP. Vinh, ông Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Sau khi ra quân giải tỏa hành lang ATGT, UBND thành phố giao địa bàn sạch cho phường, xã trực tiếp quản lý, nhưng sau đó tình trạng tái lấn chiếm lại xảy ra do cuộc sống của nhiều người dân liên quan mật thiết đến vỉa hè, trong khi thành phố chưa quy hoạch được các điểm cho nhân dân thực hiện kinh doanh.

Ngoài ra, chính quyền cấp phường, xã sau khi được giao “tuyến phố sạch” đã chủ quan, nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, trách nhiệm chưa cao; hạ tầng vỉa hè chưa đồng bộ... dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm.

Vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, đoạn gần chợ Quán Lau bị các hộ kinh doanh
Vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, đoạn gần chợ Quán Lau bị các hộ kinh doanh "bức tử". Ảnh chụp lúc 16h30 ngày 18/10. Ảnh: Cảnh Nam

Ý kiến của ông Chu Thế Huyền - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thì cho rằng, việc tái lấn chiếm còn do tâm lý bám mặt đường để sinh kế. Ngoài ra, ở những địa bàn rộng, hệ thống đường giao thông nhiều, trong khi lực lượng mỏng, nên không thể duy trì thường xuyên để tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý.

Chỉ đạo về vấn đề tái lấn chiếm hành lang ATGT, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là tình trạng nhức nhối, đáng báo động. Vì vậy, đề nghị TP. Vinh và các huyện, thị khác tiếp tục tăng cường công tác giải tỏa hành lang ATGT; cần phải cụ thể hóa hơn nữa, giao trách nhiệm cho từng hộ dân, từng phường, xã, khối, xóm. Đói với những nơi lấn chiếm mới, tái lấn chiếm phải xử phạt nghiêm minh, và phải xử lý người đứng đầu.

Nan giải việc di dời cột điện

Phát biểu với hội nghị, nhiều huyện, thị nêu: thực trạng hạ tầng giao thông không đồng bộ nên sau khi thực hiện giải tỏa hành lang ATGT lại nảy sinh các bất cập; đặc biệt là vấn đề cột điện nằm trên lòng đường chưa kịp thời di dời.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Sau khi giải tỏa hành lang, mở rộng đường giao thông theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì cột điện nằm ngay trong lòng đường, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến trật tự ATGT.

Trả lời ý kiến của đơn vị Quế Phong và cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương hiện nay, đại diện Điện lực Nghệ An báo cáo về công tác di dời sau khi tiếp nhận hệ thống lưới điện. Theo đó, trong giai đoạn từ 2010 - 2015 ngành điện đã bố trí, quy hoạch di dời được 9.000/16.000km, hiện vẫn còn 7.000km nữa chưa thực hiện được. Lý do bởi kinh phí dành cho việc di dời rất khó khăn, nhiều tuyến đường được nâng cấp từ tỉnh lộ lên quốc lộ khiến việc giải quyết khâu thủ tục giấy tờ phải ra tận Trung ương...

Cột điện nằm giữa đường gây cản trở giao thông. Ảnh minh họa
Cột điện nằm giữa đường gây cản trở giao thông. Ảnh minh họa

Đại diện Điện lực Nghệ An đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành điện để di dời cột điện. Cụ thể trích kinh phí hỗ trợ ngành điện di dời. Đơn cử như huyện Yên Thành, đã hỗ trợ di dời mỗi cột điện là 100.000 đồng, nên đến nay công tác di dời cột điện gần như đã hoàn thành.

Cùng đó, ngành Điện cũng đề nghị một số địa phương chủ động bố trí quỹ đất phát triển mạng lưới điện nhằm thực hiện chống quá tải để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; đề nghị các địa phương tiếp tục cho sử dụng vỉa hè để bố trí công trình điện. Ngành Điện sẽ khảo sát, bố trí công trình điện sao cho giảm tối đa việc ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như đảm bảo ATGT...

Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ đề nghị cần kiên quyết tháo dỡ, thu hồi các biển quảng cáo không đúng nơi quy định, biển quảng cáo đặt vuông góc với mặt đường. Ảnh: Cảnh Nam

Ngoài ra, qua thảo luận, nhiều ý kiến đã chỉ ra những tồn tại, bất cập dẫn đến công tác giải tỏa hành lang ATGT trước hết là do nhận thức của người dân; kế đến do kinh phí, phương tiện, lực lượng mỏng nên khó duy trì nề nếp; phía các cơ quan quản lý cần tổ chức cắm mốc lộ giới để phân định rõ phạm vi hành lang ATGT; nhiều biển quảng cáo đặt sai quy định; tỉnh cần hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng...

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho rằng công tác giải tỏa hành lang ATGT có ảnh hưởng tới sự quy hoạch hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải thường xuyên quan tâm thực hiện. Cần phải cụ thể hóa trách nhiệm hơn nữa và trong xử lý vi phạm phải thật nghiêm minh; thường xuyên tổ chức đánh giá, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường kết luận hội nghị. Ảnh: Cảnh Nam
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các địa phương phải cụ thể hóa hơn nữa trong giải tỏa hành lang ATGT; những nơi lấn chiếm mới, tái lấn chiếm phải xử lý thật nghiêm minh. Ảnh: Cảnh Nam

Với những kiến nghị của ngành Điện lực, UBND tỉnh sẽ có kế hoạch đề xuất với các bộ, ngành Trung ương để có biện pháp khắc phục. Về nguồn kinh phí, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sau hội nghị sẽ tiếp tục hỗ trợ một đợt nữa, trong đó ưu tiên cho các ngành Giao thông, Công an và TP. Vinh để làm điểm. Các huyện còn lại cần chủ động đưa vào kế hoạch nguồn kinh phí vào đầu năm để duy trì công tác giải tỏa hành lang ATGT.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu thời gian tới các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám sát nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có tính bền vững; từ nay đến cuối năm, các huyện cần mở đợt cao điểm về giải tỏa hành lang ATGT, khi làm xong cần giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nếu để xảy ra phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Trong đợt ra quân giải tỏa hành lang ATGT vừa qua, toàn tỉnh đã giải tỏa được 15.426m2 nhà, ki-ốt, lều quán; 32.126m2 mái che các loại; 9.425 biển quảng cáo; 563 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng 21.352 cây cối che khuất tầm nhìn và 8.526 các vi phạm khác.\


Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, đoạn gần chợ Quán Lau bị các hộ kinh doanh "bức tử". Ảnh chụp lúc 16h30 ngày 18/10. Ảnh: Cảnh Nam