(Baonghean.vn) - Làng nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, thuộc khối 10, Thị trấn Đô Lương mang vẻ sầm uất, nhộn nhịp của phố phường.
Về Vĩnh Đức, bên những ngôi nhà cao tầng là những khoảng đất trống, thoáng mát, được bà con tận dụng phơi bánh đa thơm mùi gạo mới, nồng hương vị của gừng, hạt tiêu và tỏi... Ảnh: Sỹ Minh
Trước đây ông cha tráng bằng bột gạo nước, trộn với vừng đen. Nhưng do nhu cầu của người tiêu dùng, người dân Vĩnh Đức sau này gia vị thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã thật nhỏ, trộn tỷ lệ vừa phải vào bột gạo để tráng. Đó là “bí quyết” làm nghề của làng để sản phẩm đứng vững trên thị trường. Ảnh: Sỹ Minh
Bánh đa được sử dụng trong mỗi bữa ăn của người dân như bánh đa xúc hến, bánh đa kẹo lạc, bánh đa kê ... Ảnh: Sỹ Minh
Cùng với sản xuất bánh đa, trong tổng số 150 hộ dân của làng nghề, có 14 hộ chuyên nấu kẹo lạc, doanh thu mỗi tháng gần 40 - 50 triệu đồng/hộ. Ảnh: Sỹ Minh
Chị Nguyễn Thị Thảo chủ cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc gần 20 năm cho biết: Muốn có một mẻ kẹo ngon trước hết khâu nguyên liệu đầu vào phải được lựa chọn kỹ, nhất là lạc nhân, phải được sàng sảy nhặt hết những hạt deo những hạt có vỏ lụa tối màu, nguy cơ bị mốc... Và chỉ những người thợ có thâm niên từ 5 năm trở lên mới được đứng bếp chính để nấu kẹo lạc. Bởi làm nghề này, kinh nghiệm và cái tâm mới tạo nên thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Sỹ Minh
Mật mía để nấu kẹo lạc rất quan trọng. Phải chọn mật vàng sáng, có độ sánh nhất định. Mật chỉ lấy nửa chum trên, không lấy phần dưới. Đặc biệt, người làm nghề còn phải biết mật đó có được kéo từ cây mía chết, bệnh, rầy hay không... Vì nếu mật được kéo từ cây mía bị rầy chắc chắn mật sẽ ngọt gắt, nấu kẹo lạc sẽ không ngon. Ảnh: Sỹ Minh
Hiện nay làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động thường xuyên và thời vụ. Mỗi lao động thường xuyên có thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Sỹ Minh