Những thực phẩm vàng nên ăn khi trời trở lạnh

19/10/2017 17:43

Những thực phẩm vàng, cực tốt cho sức khỏe khi thời tiết giao mùa được lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.

Những ngày này thời tiết ở miền Bắc đang có sự thay đổi nhiệt độ. Ở thời điểm chuyển mùa, cơ thể không kịp thích nghi kịp dễ mắc bệnh, nhất là với trẻ em và người lớn tuổi, sức đề kháng yếu.

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống được cái lạnh của môi trường bởi các món ăn cũng chính là những bài thuốc cực tốt cho sức khỏe.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, thời tiết giao mùa, bị nhiễm lạnh dễ mắc những trường hợp mắc các bệnh cảm cúm, hắt hơi sổ mũi, ho. Nếu nặng hơn dễ viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản….

Thịt bò giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Thịt bò giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể.

Những thực phẩm vàng, cực tốt cho sức khỏe khi thời tiết giao mùa được lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.

Thịt bò

Trong thịt bò chứa nhiều khoáng chất như protein, kali, mà hai khoáng chất này lại không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng. Mức độ kali thấp ức chế tổng hợp protein cũng như sản xuất hormone tăng trưởng, giúp tăng sức đề kháng.

Ngoài ra, thịt bò rất giàu chất sắt, mà sắt lại là khoáng chất cần thiết cho máu, bổ sung lượng máu cho cơ thể và phòng tránh cơ thể bị thiếu máu, cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể.

Thịt dê

Thịt dê có vị ngọt, tính nóng, thích hợp khi ăn vào mùa lạnh. Thịt dê làm mạnh dương đạo, ấm trung tiêu, an tâm thần. Nếu ăn liên tục 30 - 40g/ngày các món ăn chế biến từ thịt dê, có thể khỏi gầy yếu, đau lưng, dương sự kém, khí huyết hư tổn, ra nhiều mồ hôi, tăng sức đề kháng.

Gừng

Gừng hiệu quả với các triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng nên thường được dùng để trừ cảm lạnh. Ta có thể dùng dưới dạng cháo gừng, trà gừng nóng, hay gừng muối có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), giúp tiêu đàm trong viêm đường hô hấp.

Gừng hiệu quả với các triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng.
Gừng hiệu quả với các triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng.

Gừng có thể nấu canh thêm ít gừng để ăn giải cảm cúm bằng cách: lấy 5 gr gừng tươi, 15 gr hành, 6 gr lá tía tô; hoặc gừng tươi 10 gr cắt lát, cải bẹ xanh 0,5 kg cắt đoạn, đem nấu canh chung với nhau. Cũng có thể lấy gừng tươi, tỏi (mỗi thứ 100 gr) rửa sạch, cắt lát đem ngâm trong 0,5 lít giấm ăn, đậy kín ngâm trong 30 ngày. Khi bị cảm cúm, ho do thời tiết chuyển mùa, ta dùng 2 muỗng cà phê (10 ml) giấm ngâm gừng tỏi này.

Tỏi

Tỏi dùng để trị các bệnh đường hô hấp thường gặp khi bị cảm như viêm họng, viêm phế quản cũng rất hiệu quả. Tỏi có tính kháng khuẩn, tiêu đờm...

Hành

Hành có công dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đường hô hấp. Hành thường được dùng phối hợp trong chế biến các món ăn để giải cảm.

Tía tô

Tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm. Lá tía tô có tác dụng giải độc, trị cảm mạo, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn... Đặc biệt, lá tía tô bánh tẻ có công dụng nhiều nhất vì lúc này hoạt chất trong lá đầy đủ, lá già thì mất hoạt chất, lá con thì hoạt chất chưa đủ. Có thể dùng lá tía tô nấu cháo, nấu canh, hoặc sắc lấy nước uống.

Các loại lá có tính nóng

Trong mùa lạnh, mọi người sử dụng lá hương nhu tía, lá chanh, bưởi, sả, kinh giới, lá lốt….để xông nếu bị cảm cúm lúc giao mùa. Đây là những loại lá có chứa tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp khi bốc hơi do đun nóng.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý mọi người cần giữ ấm cơ thể cơ thể khi thời tiết đang trở lạnh như hiện nay, phong hàn không xâm nhập cơ thể mà gây các bệnh nói trên. Ra đường nên đeo khẩu trang, tối đi ngủ nên đi tất để bảo vệ huyệt dũng tuyền và thất niên (nhiễm lạnh sẽ gây mất ngủ); Đắp chăn ấm bụng để không bị tiêu chảy…

Theo Danviet

TIN LIÊN QUAN