Tăng mức phạt đến 7 lần, tước giấy phép nếu làm giả phân bón

21/10/2017 06:49

Hơn 14.000 sản phẩm phân bón đang lưu hành, kèm với đó rất nhiều vi phạm. Cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng mức phạt tối đa lên 7 lần, và nếu cần sẽ tước giấy phép cơ sở vi phạm.

Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Tăng cường quản lý thị trường phân bón" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 20/10.

Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Nghị định 108 về quản lý phân bón vừa được ban hành có nhiều điểm mới nhằm siết chặt quản lý tất cả các khâu kinh doanh, lưu thông và sử dụng phân bón.

Việc quản lý phân bón sẽ giao cho một đầu mối duy nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với phương thức quản lý cũng thay đổi, từ công bố hợp chuẩn, hợp quy đến việc đặt tên, nhãn mác và quảng cáo...

Tăng mức phạt đến 7 lần, tước giấy phép nếu làm giả phân bón

Nếu như hoạt động khảo nghiệm trước đây doanh nghiệp tự thực hiện, thì Nghị định mới yêu cầu gần như tất cả các loại phân bón đều phải thực hiện khảo nghiệm.

Tuy nhiên, ông Trung cho biết với hơn 14.000 loại phân bón đang được lưu hành trên thị trường sẽ không phải khảo nghiệm mà chỉ thực hiện bắt buộc với các sản phẩm mới.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện cơ quan này đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Về cơ bản, các nội dung được kế thừa quy định cũ, song tăng thêm và bổ sung các mức xử phạt, các hành vi như áp dụng mức cao nhất tăng gấp 7 lần, tước quyền và thu hồi các loại giấy chứng nhận.

Trường hợp nếu không chấp hành thì sẽ tước quyền vĩnh viễn hoặc yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa.

Với phân bón giả, kém chất lượng, phân bón nhập khẩu không đạt yêu cầu thì phải tiêu hủy, hoặc tái xuất, không cho tái chế…

Tăng mức phạt đến 7 lần, tước giấy phép nếu làm giả phân bón

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đề nghị cần phải xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực này trước đây, thì mới đảm bảo đủ sức răn đe và không tạo tiền lệ xấu cho quản lý phân bón trong thời gian tới.

"Nghị định 108 ra đời là công cụ quan trọng nhưng không phải là đũa thần bởi nếu vẫn lợi ích nhóm, cơ quan, đơn vị sản xuất vẫn gian lận thì không có nghị định nào đối phó được" - ông Thúy nêu quan điểm.

Thêm nữa, vụ việc liên quan đến 11 trung tâm khảo nghiệm phân bón được phát hiện là có sai phạm khi cấp khống, nhưng trách nhiệm đó không quy vào ai cả.

Do đó, ông Thúy đề nghị cần phải làm rõ và xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan để tạo tiền đề cho Nghị định 108 khi có hiệu lực sẽ đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi.

Số lượng phân bón được cấp phép gấp 3 lần nhu cầu

Số lượng sản phẩm phân bón vô cơ được tiếp nhận từ Bộ Công thương để quản lý là 13.243 sản phẩm, trong đó từ 1-1-2017 đến nay tăng 7.840 sản phẩm. Cơ sở sản xuất phân bón được tiếp nhận để quản lý là 554 cơ sở sản xuất.

Như vậy, số lượng sản phẩm được lưu hành là hơn 14000 sản phẩm, và 706 nhà máy, trong đó sản phẩm hữu cơ chỉ chiếm 5,3%, chưa kể số lượng phân bón được các sở công thương tiếp tục công bố hợp quy vẫn đang được gửi về.

Công suất sản xuất với phân vô cơ là 26,5 triệu tấn, phân hữu cơ là 2,5 triệu tấn và nhập khẩu là 4 triệu tấn.

Như vậy, tổng lượng phân bón trên thị trường là 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu (chỉ 10 - 11 triệu tấn).

Dư thừa phân bón lớn gây nên hệ lụy phân bón giả, kém chất lượng tràn lan và người dân khó nhận biết và chọn lựa sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Theo Báo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN