Dàn radar Nga có thể khiến máy bay tàng hình Mỹ lỗi thời

21/10/2017 07:40

Struna-1 là một trong những hệ thống được Nga phát triển để vô hiệu hóa các tiêm kích tàng hình của Mỹ như F-22 và F-35.

dan-radar-nga-co-the-khien-may-bay-tang-hinh-my-loi-thoi

Một đài phát sóng trong tổ hợp Struna-1. Ảnh: NNIIRT

Sự phát triển của tiêm kích tàng hình như F-22, F-35 và oanh tạc cơ B-2 của Mỹ buộc Nga phải phát triển nhiều hệ thống để phát hiện, bám bắt chúng trong trường hợp nổ ra xung đột. Một trong số đó là hệ thống radar Struna-1 được Moscow công bố hồi giữa năm nay, theo National Interest.

Đây là sản phẩm của Viện nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Nizhny Novgorod (NNIIRT) trực thuộc tập đoàn Almaz-Antey, nhà sản xuất các hệ thống phòng không hàng đầu tại Nga, từng nổi tiếng với các tổ hợp tên lửa phòng không như Tor, Buk, S-300 và S-400. Hệ thống Struna-1 được phát triển từ năm 1999, còn phiên bản nâng cấp mang trên Barrier-E từng xuất hiện tại triển lãm hàng không Moscow (MAKS) năm 2007.

Struna-1 và Barrier-E không có trong danh mục sản phẩm của Almaz-Antey, nhưng nó vẫn được giới thiệu cùng những loại radar khác tại MAKS 2017. Giới chuyên gia cho rằng hệ thống này có thể được triển khai để giám sát và bảo vệ không phận quanh thủ đô Moscow, Nga.

Radar thông thường đều tích hợp bộ thu phát sóng ở cùng một cụm ăng ten, khiến tín hiệu phản xạ từ mục tiêu chỉ mạnh bằng 25% tín hiệu phát đi. Máy bay tàng hình tận dụng điểm yếu này của radar, nhằm tăng khả năng tán xạ và hấp thụ sóng radar, khiến chúng khó bị phát hiện và bám bắt hơn.

Struna-1 giải quyết vấn đề này bằng cách bố trí đài phát và thu tín hiệu nằm ở hai địa điểm khác nhau. Điều này giúp radar nhạy hơn trước tín hiệu phản hồi từ mục tiêu. Nhà sản xuất khẳng định thiết kế này giúp tăng diện tích phản xạ radar (RCS) của mục tiêu tăng gấp ba lần so với radar thông thường, đồng thời vô hiệu họa khả năng tán xạ sóng radar của vật liệu tàng hình.

Không chỉ máy bay tàng hình mà những vật thể có RCS nhỏ như tàu lượn và tên lửa hành trình cũng có khả năng bị Struna-1 phát hiện từ xa. Nguồn tin quân đội Nga cho rằng sẽ có ít nhất 10 cụm đài thu - phát Struna-1 được triển khai để bảo vệ Moscow. Khoảng cách tối đa giữa các đài này là 50 km, cho phép lực lượng phòng không lập vành đai giám sát có chu vi 500 km quanh thủ đô.

dan-radar-nga-co-the-khien-may-bay-tang-hinh-my-loi-thoi-1

Tiêm kích F-35 (trái) và F-22 có thể lỗi thời vì hệ thống như Struna-1. Ảnh minh họa: USAF

Các đài radar Struna-1 có mức tiêu thụ và phát xạ năng lượng thấp, giảm khả năng bị phát hiện và tiêu diệt bởi vũ khí diệt radar của đối phương. Việc đặt trên khung gầm cơ động cho phép Struna-1 triển khai ở khu vực tiền phương khi nổ ra xung đột. Hệ thống đài thu phát sử dụng sóng ngắn để kết nối với nhau cũng như tới trung tâm chỉ huy. Việc phân bổ nhiều đài radar giúp hệ thống duy trì hoạt động ngay cả khi một cụm thu phát bị hỏng, dù điều này sẽ làm giảm độ chính xác. Struna-1 cũng có khả năng phát hiện mục tiêu tầm thấp tốt hơn rất nhiều so với những radar thông thường.

Điểm hạn chế của hệ thống Struna-1 làm tầm hoạt động ngắn, chỉ có thể theo dõi mục tiêu ở độ cao tối đa 7 km và tầm xa khoảng 12 km. Điều này khiến Struna-1 không thể đóng vai trò cảnh giới tầm xa, mà chỉ phù hợp với việc nhận dạng máy bay tàng hình ở những hướng dễ bị xâm nhập.

Bên cạnh đó, Struna-1 không thể liên tục chiếu xạ vào một mục tiêu, khiến nó hoàn toàn vô dụng trong nhiệm vụ dẫn bắn cho tên lửa dùng đầu dò radar bán chủ động. Phương án tốt nhất là kết hợp đài Struna-1 với các radar cảnh giới sóng dài, vốn có tầm hoạt động lớn nhưng độ chính xác thấp hơn, để cung cấp tham số mục tiêu cho các hệ thống phòng không.

Dù còn nhiều điểm yếu khó khắc phục, Struna-1 vẫn được coi là mối đe doạ nghiêm trọng với máy bay tàng hình Mỹ và NATO trong các cuộc xung đột tiềm tàng. Nếu kết hợp với các radar chống tàng hình và tên lửa phòng không hiện đại, nó sẽ trở thành khắc tinh với những chiếc F-22, F-35 và B-2 đắt tiền của Washington, chuyên gia phân tích Charlie Gao nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN