Xe sang về Việt Nam có thể tăng giá từ 2018

25/10/2017 08:54

Trước đây, một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định, dù xe ở mọi lô đều cùng một loại.

Nghị định 116/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô đang gây nhiều lo ngại cho ngành bốn bánh. Các hãng nhập khẩu xe lo ngại không vượt qua được các quy định khắt khe để nhập xe về nước. Nhưng ngay cả khi lách được khe cửa hẹp, hãng cũng có thể gặp khó vì chi phí tăng trong khâu kiểm định.

Nếu trước đây, một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định, dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Ví dụ: đầu tháng 1/2018 Lexus nhập về lô 10 xe RX350, đến giữa tháng 1 về tiếp một lô 3 xe RX350 thì mỗi lần đều phải chọn ra một xe, tức hai chiếc phải kiểm định, dù giống hệt nhau.

Cách làm này khiến chi phí của hãng tăng lên, đồng thời thời gian "giam xe" cũng lâu hơn trước khi giao cho khách.

Tăng chi phí kiểm định, tăng giá xe

Mỗi xe kiểm định sẽ ngốn chi phí của hãng khoảng 100 triệu đồng và thời gian chờ đợi khoảng 1-2 tháng.

Một lô về một xe hay 100 xe thì cũng tốn số tiền kiểm định như trên. Với các hãng xe phổ thông nhập khẩu số lượng lớn vài trăm tới cả nghìn xe mỗi lần, chi phí tính trên mỗi đầu xe sẽ không nhiều, vì vậy không làm tăng giá bán. Nhưng xe sang thì câu chuyện có thể khác.

Xe sang nguy cơ tăng giá vì phí kiểm định theo lô.
Xe sang nguy cơ tăng giá vì phí kiểm định theo lô.

Nhiều mẫu xe sang mỗi lô chỉ về một vài xe, do đó số tiền trên sẽ là một khoản đáng kể trên mỗi đầu xe. Ví dụ một lô xe Porsche về hai chiếc, mỗi xe gánh 50 triệu, giá xe lại tăng thêm 50 triệu. Chưa kể, thời gian giam xe lâu cũng khiến tăng chi phí nằm cảng, kho bãi và khiến khách hàng khó chịu.

"Chúng tôi tốn thêm bao nhiêu chi phí, khách hàng tốn thêm chừng ấy tiền", lãnh đạo một nhà nhập khẩu chính hãng cho biết. Lợi nhuận của hãng phải đảm bảo, vì vậy khó có chuyện hãng hy sinh bớt lãi để bán cho khách hàng với giá thấp.

Xe qua kiểm định có bán cho khách hàng?

Bên cạnh tăng giá xe, tăng thời gian chờ đợi, việc kiểm định mỗi lô một xe theo chuyên gia cũng gây ra nhiều phiền phức trong tâm lý khách hàng.

Trước đây, với những hãng lớn như Mercedes, Lexus, Audi... xe được nhập về số lượng lớn. Những xe dùng để kiểm định với cơ quan Đăng kiểm sau này sẽ trở thành xe chạy thử của hãng, một phần trong chi phí marketing. Xe tới tay khách sẽ là xe mới hoàn toàn.

Tuy vậy, có một số dòng xe chuyên biệt, vốn mỗi năm bán số lượng không nhiều vài chục chiếc hoặc 1-2 chiếc, khách hàng thường sẽ được thông báo trước về việc xe phải trải qua quá trình thử nghiệm khí thải, phanh, ga, động cơ... của Đăng kiểm. Khách hàng đồng ý thì hãng sẽ nhập xe về.

Thực tế, cơ quan đăng kiểm ở Việt Nam tiến hành kiểm định xe cũng khá đơn giản. Xe được vận chuyển từ hãng tới địa điểm đăng kiểm, chạy thực tế vài vòng quanh sân thử để tiến hành kiểm tra khí thải, phanh, động cơ...

Một số hãng cầu kỳ hơn, muốn kết quả thực tế nhất thường chạy một xe hết khoảng 3.000-5.000 km, sau đó dùng xe này để kiểm định. Lúc này kết quả mới chính xác nhất. Những xe đã chạy số lượng đáng kể số km như thế này thường được sử dụng làm xe chạy thử hoặc phục vụ nội bộ doanh nghiệp. Cũng có trường hợp, các chi tiết sau quá trình chạy kiểm định bị mài mòn, hãng sẽ đánh giá đưa phương án thay mới chi tiết, kiểm tra lại để bán ra thị trường. Cách làm này cũng khiến chi phí tăng.

Với quy định mới về kiểm định theo lô, hầu hết các hãng đều cho rằng cách làm này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp dù nhập vài xe hay vài trăm xe. Những vướng mắc này ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán xe ra thị trường.

Trong khi đó, nhiều khách hàng lo ngại, giá xe không chỉ tăng vì chi phí kiểm định mà còn bởi thị trường chật hẹp hơn. Khung chính sách mới ở Nghị định 116 quá bất ngờ khi chỉ còn hơn hai tháng, nếu không có gì thay đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu bên ngoài sẽ đóng cửa.

Không những thế, ngay cả các nhà nhập khẩu chính hãng cũng khó khăn hơn khi đưa xe về nước. Thị trường xe sang chật hẹp hơn, thương hiệu nào chuẩn bị tốt về số lượng, chủng loại, nguồn gốc xe sẽ nắm ưu thế trong cuộc đua. Ở một thị trường ít nguồn cung, việc điều tiết giá cả không còn do quy luật thị trường, mà do ý chí doanh nghiệp.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN