Không chịu nổi sức ép, người Kurd 'xuống thang'
(Baonghean) - Tiến hành trưng cầu ý dân, người Kurd hy vọng sẽ giành thêm lợi thế trước chính quyền trung ương Iraq để đòi quyền tự trị lớn hơn. Nhưng những bước đi vừa rồi cho thấy mọi việc đang không diễn ra theo chiều hướng như họ tính toán.
Bước đi bất ngờ
Trong một tuyên bố, chính quyền khu tự trị người Kurd đã đưa ra 3 đề xuất với chính phủ trung ương gồm: dừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự tại khu tự trị người Kurd để ngăn chặn xung đột đi xa hơn, “đóng băng” kết quả cuộc trưng cầu ý dân, tổ chức đối thoại cởi mở giữa chính quyền khu tự trị người Kurd và chính phủ Iraq dựa trên cơ sở hiến pháp.
Trước đó, hôm 19/10, họ cũng từng đưa ra lời đề nghị tương tự sau khi thông báo hoãn các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và lãnh đạo khu vực.
Khu tự trị người Kurd đang ở thế yếu trong cuộc đối đầu với chính quyền Iraq (The Guardian) |
Điều bất ngờ chính là việc chính quyền khu tự trị người Kurd tình nguyện “đóng băng” kết quả cuộc trưng cầu ý dân – vốn được họ xem như một công cụ để gây sức ép lên chính quyền trung ương để đòi quyền tự trị lớn hơn.
Đây có lẽ là một đề xuất mà chính quyền khu tự trị người Kurd phải rất khó khăn mới có thể đưa ra, bởi trước đó, bất chấp các biện pháp mạnh tay của chính quyền trung ương, khu vực này vẫn quyết định ấn định ngày bầu cử vào ngày 1/11.
Trong thông báo đưa ra 3 đề xuất với chính quyền trung ương Iraq, chính quyền khu tự trị người Kurd tỏ ra “vì lợi ích chung” khi nói rằng “tiếp tục chiến đấu không đem đến chiến thắng cho bên nào, nhưng sẽ khiến đất nước đi xuống và hỗn loạn”.
Nhưng theo giới phân tích, khu tự trị người Kurd buộc phải đưa ra những bước đi liên tiếp nhằm xoa dịu chính phủ Iraq bởi tình hình thực tế không hề thuận lợi cho việc theo đuổi yêu sách đòi quyền tự trị lớn hơn, chưa nói đến việc đòi độc lập.
“Xuống thang” và tìm cách đưa chính phủ Iraq vào bàn đàm phán là cách để khu tự trị người Kurd tránh kịch bản bị mất tất cả, trước khi đạt được mục đích của mình.
Cuộc đối đầu không cân sức
Kể từ khi khu tự trị người Kurd tiến hành cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập hồi cuối tháng 9, chính quyền trung ương Iraq đã đưa ra nhiều lời cảnh báo cứng rắn về việc “sẽ sử dụng luật Iraq để giải quyết” nếu khu tự trị này không hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân bởi đây là mối đe dọa chung cho sự chung sống hòa bình của người Iraq và là sự nguy hiểm đối với khu vực.
Chứng minh đây không phải là lời cảnh báo suông, chính quyền Iraq ban hành lệnh cấm mọi chuyến bay quốc tế đến và đi từ thủ phủ Arbril của khu tự trị người Kurd.
Từ ngày 3/10, Ngân hàng Trung ương Iraq cũng thông báo ngừng bán USD cho 4 ngân hàng hàng đầu của người Kurd cũng như ngừng tất cả các giao dịch ngoại tệ với khu tự trị này.
Các biện pháp mạnh tay của chính quyền Iraq còn có sự hưởng ứng của một loạt nước trong khu vực, đáng chú ý nhất là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa và ngừng giao thương với khu tự trị người Kurd.
Cùng với các bước đi “trong ứng ngoại hợp” đánh thẳng vào kinh tế, chính quyền Iraq còn giáng đòn mạnh vào “cơ quan chỉ huy đầu não” của phong trào đòi độc lập khi phát lệnh bắt giữ 3 quan chức cấp cao người Kurd vì tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập, bắt giữ Phó Thống đốc khu tự trị người Kurd Kosrat Rasul với cáo buộc “khiêu khích”, chống lại các lực lượng vũ trang Iraq.
Nhưng bước đi quyết định nhất của chính quyền Iraq khiến khu tự trị người Kurd buộc phải “xuống thang” chính là việc quân chính phủ tiến đánh Kirkuk – khu vực giàu dầu mỏ và là vùng lãnh thổ đang tranh chấp giữa hai bên.
Trước sức mạnh của quân chính phủ, lực lượng người Kurd nhanh chóng để mất căn cứ không quân K1, sân bay của thành phố và nhiều mỏ dầu quan trọng, tiếp theo đó là thị trấn Sinjar, một số làng mạc và thị trấn khác ở tỉnh Kirkuk.
Giấc mơ độc lập của người Kurd khó thành hiện thực (AFP) |
Quân chính phủ cũng chiếm luôn đập nước Mosul ở gần thành phố thủ phủ của tỉnh Nineveh và cả dải biên giới Rabia của tỉnh này, giáp với biên giới Syria. Việc lực lượng người Kurd bị đánh bật khỏi Kirkuk đồng nghĩa với việc để mất đi nguồn lực tài chính quan trọng nhất của khu vực này.
Khi khu vực tự trị người Kurd tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập, dư luận quốc tế đã nhận định rằng cơ hội giành được độc lập của họ là rất mong manh.
Niềm hy vọng lớn nhất của họ là sử dụng kết quả cuộc trưng cầu ý dân với trên 92% cử tri bỏ phiếu ủng hộ độc lập để gây sức ép với chính quyền trung ương Iraq trên bàn đàm phán, từ đó đòi quyền tự trị lớn hơn.
Nhưng cũng giống như câu chuyện đang diễn ra ở Catalonia, Tây Ban Nha, khu tự trị người Kurd ở Iraq đang hoàn toàn ở thế yếu trong cuộc đối đầu với chính quyền trung ương: không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, không có tính chính danh bởi bị coi là hành động vi hiến, không có sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế bị cắt đứt.
Không những vậy, Mỹ - quốc gia vốn được coi là “thế lực chống lưng” cho lực lượng người Kurd ở Iraq đã công khai tuyên bố không ủng hộ ai trong cuộc đối đầu này. Không có Mỹ ủng hộ, người Kurd sẽ không phải là đối thủ của chính quyền Iraq trên mọi phương diện.
Bởi vậy, nhiều khả năng lời đề xuất đối thoại của chính quyền khu tự trị người Kurd sẽ được chấp nhận, nhưng họ sẽ có rất ít cơ hội để có thể đưa ra yêu sách về đòi quyền tự trị lớn hơn.
Thúy Ngọc