Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

28/10/2017 07:40

(Baonghean.vn) - Hoàn thiện Quy hoạch xây dựng trụ sở các cơ quan Trung ương; Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường;... là những chỉ đạo nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng tuần qua.

1. Hoàn thiện Quy hoạch xây dựng trụ sở các cơ quan Trung ương

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy định của pháp luật về đất đai và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước, việc di dời trụ sở của một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương hiện nay là rất cần thiết.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã bố trí sắp xếp được các vị trí và đề xuất danh mục trụ sở của các cơ quan cần di dời. Việc quy hoạch, đầu tư, sắp xếp cũng như di dời trụ sở của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô từ lâu đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Công tác quy hoạch, đầu tư, sắp xếp… không chỉ đáp ứng, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, góp phần phục vụ công tác cải cách hành chính được hiệu quả hơn, mà còn là yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị hiện đại, văn minh, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

2. Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại.

Nghị định này quy định về nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; lập dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thu trong hoạt động đối ngoại gồm: Phí, lệ phí trong hoạt động ngoại giao; phí, lệ phí liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân có yếu tố nước ngoài và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Chi hoạt động đối ngoại gồm: Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Các khoản chi hoạt động đối ngoại được thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với tính chất, nội dung, đặc thù nhiệm vụ đối ngoại.

3. Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.

Đề án trên được thực hiện trong 6 năm 2017 - 2022 trênphạm vi toàn bộ các số liệu quan trắc về tài nguyên và môi trường của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động quan trắc về tài nguyên và môi trường, bao gồm: Số liệu từ các trạm quan trắc cố định; Số liệu từ các hoạt động quan trắc định kỳ; Các số liệu quan trắc ngoài lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế; Số liệu quan trắc từ các hoạt động không thường xuyên sẽ được chọn lọc, tích hợp các kết quả quan trắc phù hợp.

Đề án sẽ thu nhận đầy đủ, tích hợp, tổ chức xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường thống nhất trên cơ sở áp dụng các giải pháp công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

4. Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm chống người thi hành công vụ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ xảy ra rất phức tạp, ở nhiều địa phương, trong hoạt động công vụ của nhiều ngành, nhất là trong hoạt động chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thi hành án, thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, báo chí...

Hành vi chống người thi hành công vụ diễn biến theo hướng manh động, coi thường pháp luật; số đối tượng xấu, phản động, cơ hội chính trị tìm cách lợi dụng kích động chống phá chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật, xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể một số nơi chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; chưa chủ động và thiếu giải pháp thiết thực, hiệu quả để phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và thực thi pháp luật.

5. Công nhận Hoài Đức đạt chuẩn Huyện nông thôn mới

Một mô hình sản xuất rau an toàn ở huỵen Hoài Đức.
Một mô hình sản xuất rau an toàn ở huỵen Hoài Đức.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định công nhận huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) đạt chuẩn Huyện nông thôn mới năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.

Huyện Hoài Đức có 19 xã thì cả 19 xã đều đạt chuẩn xã nông thôn mới. Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Hoài Đức là việc thực hiện các tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Huyện đã xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung tại 11 xã với tổng diện tích hơn 830 ha để trồng cây ăn quả có giá trị cao và rau an toàn. Mặt hàng nhãn chín muộn của huyện còn được xuất khẩu sang Malaysia,…

Được biết, thành phố Hà Nội cũng đang tích cực đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển để huyện Gia Lâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm nay.

6. Đơn giản hóa TTHC thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, nội dung phương án đơn giản hóa liên quan đến 3 lĩnh vực: Thủy sản (8 thủ tục); thú y ( 2 thủ tục); bảo vệ thực vật (5 thủ tục).

Trong đó, với lĩnh vực thủy sản, đơn giản hóa thủ tục cấp phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng máy trưởng tàu cá. Cụ thể, bãi bỏ thành phần hồ sơ là sơ yếu lý lịch trong thủ tục hành chính này quy định tại khoản 3 Điều 9 Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30/6/2008 của Bộ trưởng về ban hành Quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá.

Bên cạnh đó, sửa một số trường thông tin liên quan đến cá nhân xin đi học đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30/6/2008 của Bộ trưởng về ban hành Quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá.

7. Phát huy truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị.
Thành cổ Quảng Trị.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp xử lý kiến nghị của Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 (Hội).

Tại thông báo kết luận, Phó Thủ tướng trân trọng ghi nhận công lao, sự hy sinh to lớn của chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị trong thời kỳ kháng chiến, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Hội trong công tác hậu phương quân đội.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục phát huy truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, ngày càng có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Xét kiến nghị của Hội về việc xây dựng Trung tâm Thông tin liệt sĩ, phòng thờ cúng và lưu trú, Phó Thủ tướng chỉ đạo, hiện nay Bộ Quốc phòng đang xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin liệt sĩ và tại Quảng Trị đã có các công trình ghi công liệt sĩ, nhà lưu trú của Trung ương và địa phương. Hội báo cáo, thống nhất với địa phương để xây dựng phòng tưởng niệm và nhà lưu trú trên cơ sở đất đai, khả năng của Hội và thực hiện theo quy định. Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin liệt sĩ để Hội có hình thức ghi danh phù hợp theo quy định.

8. Triển khai thi hành Luật Cảnh vệ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh vệ.

Theo đó, năm 2017 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật về cảnh vệ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm cho việc thực hiện Luật được thống nhất.

Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật gồm 6 chương, 33 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật Cảnh vệ đã bổ sung 2 chương, 12 điều, quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; công tác khen thưởng và xử lý vi phạm…

9. Tăng cường năng lực ứng cứu sự cố mạng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2025”.

Theo định hướng đến 2025, Đề án xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng (Cơ quan điều phối quốc gia) thành một đơn vị mạnh, chuyên nghiệp, có năng lực về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ để quản lý tình hình sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, phản ứng nhanh, điều phối ứng cứu kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ xử lý các sự cố nghiêm trọng, làm nòng cốt tổ chức triển khai công tác thực thi đảm bảo an toàn thông tin mạng của quốc gia.

10. Gỡ vướng trong việc triển khai Nghị định số 38/2016/NĐ-CP

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiếnchỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về vướng mắc trong việc triển khai Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh mục công trình, chủ công trình cảng biển loại I, loại II thuộc phạm vi quản lý phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo đúng quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khí tượng thủy văn. Nghị định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ 3 năm rà soát, trình Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN