Dùng app điện thoại để biết xe hỏng chỗ nào

29/10/2017 09:47

Một nghiên cứu mới của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cho biết đã tìm ra cách mà điện thoại có thể phát hiện được các hỏng hóc trên xe hơi.

Khi những chiếc xe trở nên thông minh hơn, chúng có thể tự động cảnh báo cho người dùng biết là khi nào thì họ nên đem xe đi bảo trì, hoặc thông báo chiếc xe đang có vấn đề ở bộ phận nào.

Tuy nhiên, với những chiếc xe cũ hơn, vốn đang chiếm tỉ lệ rất cao trong số những chiếc xe đang lưu thông thì điều đó khó khăn hơn một chút.

Mặc dù có thể cắm một dongle (cổng chẩn đoán) vào chiếc xe để tự động chạy chương trình chẩn đoán, thế nhưng điều này có thể gây ra nguy cơ chiếc xe bị hacker xâm nhập.

Nhưng nghiên cứu mới đây của Joshua Siegel cùng các đồng nghiệp ở MIT cho biết họ đã khám phá ra cách thức mà micro và cảm biến gia tốc trên smartphone phát hiện được những hỏng hóc trên xe.

Theo bài báo mà nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí Ứng dụng kỹ thuật của Trí tuệ nhân tạo thì dữ liệu âm thanh được thu thập từ smartphone có thể chẩn đoán được việc có cần thay thế được một bộ lọc không khí hay không.

Ý tưởng đằng sau của việc này khá đơn giản. Khi một bộ lọc bị bẩn hoặc bị tắc thì âm thanh đi qua nó sẽ khác hẳn so với âm thanh khi không bị tắc. Và sự khác biệt đó sẽ cho ra các rung động khác nhau.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì một bộ lọc bẩn sẽ không thể đưa không khí đến làm mát động cơ, dẫn đến chiếc xe bị giảm tiết kiệm nhiên liệu và tăng sự mài mòn.

Trong một tương lai khá gần, chúng ta có thể dùng smartphone để phát hiện các hỏng hóc ở xe hơi. Ảnh: Popular Mechanics
Trong một tương lai khá gần, chúng ta có thể dùng smartphone để phát hiện các hỏng hóc ở xe hơi. Ảnh: Popular Mechanics

Trong các thí nghiệm, Siegel và các cộng sự đã dùng chiếc iPhone 6 để đo tiếng ồn động cơ của Mazda 2 và Honda Civic.

Họ đã thu thập âm thanh động cơ của hai chiếc xe trong điều kiện lọc gió bình thường và khi lọc gió bị một lớp bụi dày 2mm bám đầy. Không những thế, nhóm cũng đã dùng một mảnh giấy vuông che lại lọc gió (để mô phỏng việc lọc gió bị một chiếc lá bám vào), sau đó thu thập âm thanh của động cơ.

Sau khi nghiên cứu kỹ các âm thanh này, nhóm đã tạo ra một thuật toán để xác định được lọc gió trong điều kiện bình thường và lọc gió khi bị bụi bám vào.

Tất nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên. Từ việc phát hiện ra bất thường ở lọc gió đến việc nắm bắt toàn bộ các bộ phận của chiếc xe là một hành trình dài. Bài báo của Siegel trích dẫn một số công trình nghiên cứu trước đây đã tìm ra cách sử dụng âm thanh để phát hiện sự rò rỉ không khí nạp, ECT, lỗi ở cảm biến trục…

Không những thế, các nghiên cứu khác cho thấy các thuật toán cũng có khả năng phát hiện ra sự mất cân bằng của bánh xe.

Hiện Siegel đang có ý định thương mại hóa công trình nghiên cứu này thông qua một công ty mà ông mới thành lập có tên Data Driven. Dự kiến, sản phẩm thương mại đầu tiên sẽ ra đời trong vòng 18 tháng tới.

Theo TTO/Ars Technica

TIN LIÊN QUAN