Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An: Không để giá trị doanh nghiệp sụt giảm mới thoái vốn

01/11/2017 17:32

(Baonghean.vn) - Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng cần quan tâm hơn nữa quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, không để giá trị doanh nghiệp sụt giảm mới tiến hành thoái vốn.

Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn nhanh Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão bên lề ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu
Ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu

PV: Ông có nhận xét gì về báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018?

Ông Trần Văn Mão: Tôi cơ bản thống nhất cao với các nội dung. Năm 2017, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động nhưng Chính phủ đã chỉ đạo, theo dõi sát, điều hành linh hoạt chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội thông qua; 13/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, thực trạng kinh tế xã hội cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã chỉ rõ.

Tôi cũng đồng tình với nhận định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và báo cáo của Chính phủ đã nêu đó là nợ công còn cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm tiến độ, thoái hóa vốn nhà nước đạt thấp.

Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, nếu tiếp tục mở rộng thanh tra, kiểm toán đối tượng là các dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, hiệu quả thấp,thua lỗ, thất thoát vốn, ngân sách nhà nước chắc chắn con số thua lỗ sẽ không dừng lại ở hàng chục ngàn tỷ như đã nêu trên.

PV: Vậy theo ông nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém này là do đâu?

Ông Trần Văn Mão: Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nổi lên là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đặt ra vấn đề xác định các tiêu chí lựa chọn chiến lược và định giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất với các giá trị theo yếu tố định lượng về kinh tế, văn hóa, lịch sử.

Việc vận dụng cơ chế, chính sách phương pháp, cách thức tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất, thực hiện còn tùy tiện, cảm tính, chưa tuân theo quy luật thị trường, công khai, minh bạch, rõ ràng, bình đẳng gây dư luận bức xúc và hiệu quả thấp.

Thoái vốn đạt tỷ lệ thấp, mới thu được 12.099 tỷ đồng đạt 20,1% kế hoạch, chậm thoái vốn tại doanh nghiệp lớn (Vinamilk, Habeco, Sabeco…)

Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về ICIC còn chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Một số tập đoàn tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ chế độ quản trị chưa đáp ứng yêu cầu thông lệ quốc tế.

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là quy định về giá tài sản, đất đai, phương thức bán... trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng.

PV: Ông có kiến nghị, đề xuất gì để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

Ông Trần Văn Mão: Tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế chính sách và đề án sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đề ra.

Chúng ta cần hoàn thành cổ phẩn hóa doanh nghiệp theo đúng tiến độ bằng nhiều hình thức phù hợp kể cả đấu giá công khai minh bạch đã được phê duyệt từ nay đến năm 2010.

Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện đặc biệt là việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp quy mô lớn, không để tình trạng để giá trị doanh nghiệp sụt giảm mới tiến hành thoái vốn.

Đây là điều đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng và Nhà nước đang trong giai đoạn tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới, thoái vốn Nhà nước, không cần nắm giữ, tham gia góp vốn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Bộ Chính trị để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

PV: Ngoài vấn đề trên, ông còn quan tâm đến lĩnh vực nào còn tồn tại hạn chế, yếu kém?

Ông Trần Văn Mão: Vấn đề hạn chế yếu kém thứ hai tôi quan tâm đó là cơ cấu lại ngành nông nghiệp mặc dù đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên việc hình thành các mô hình sản xuất, mô hình quản lý trong nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị phân phối… vẫn chưa có chuyển biến. Tình trạng buôn lậu, gian lận sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, nâng giá, gửi giá, kết cấu các chi phí không hợp lý vào trong giá thành sản phẩm vật tư phân bón thuốc trừ sâu, giống cây, con phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông thôn, nông dân diễn ra phổ biến, vượt khỏi vòng kiểm soát.

Đây là những nội dung đã được cử tri phản ánh, kiến nghị qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa kiểm soát nổi, Nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát giá cả vật tư, phân bón, giống cây, con phục vụ nông dân.

Tôi chỉ đơn cử qua khảo sát thực tế giá phân đạm của một Tổng Công ty phân đạm có thương hiệu hiện nay cho thấy: theo số liệu quyết toán, giá bán ra bình quân mặt hàng phân đạm là 6.123đ/kg, chi phí vận chuyển được theo dõi riêng, hàng được giao tận nơi cho từng địa bàn tiêu thụ, nhưng thực tế người nông dân không được mua hàng với giá như vậy. Giá bình quân trên thị trường Nghệ An trong năm 2016 có nhiều thời điểm dao động khoảng 7.500đ/kg đến 8.500đ/kg, có thời điểm nông dân phải mua với giá 9.000đ/kg.

Chênh lệch người nông dân phải gánh so với giá bán ra bình quân mặt hàng phân đạm là 2.277đ/kg. Như vậy người nông dân đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn.

Đây là điều nghịch lý mà chưa có giải pháp căn cơ để kiểm soát, tác động để giúp người nông dân thoát khỏi gánh nặng cõng giá tăng cao giá vật tư, phân bón, giống cây, con, trong lúc một nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi trên mồ hôi, nước mắt của nông dân.

Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm có giải pháp chỉ đạo quyết liệt căn cơ trong kiểm soát, quản lý, điều tiết hài hòa bảo đảm lợi ích của người nông dân và Doanh nghiệp.

PV: Cảm ơn ông.

PV - CTV

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN