Đại biểu Quốc hội: Lương thấp nên không khuyến khích công chức cống hiến

01/11/2017 21:14

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng thang bảng lương khu vực hành chính thấp xa so với các khu vực khác và chưa tính theo hệ số việc làm nên không khuyến khích công chức, viên chức làm việc, cống hiến.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 1/11, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành cải cách chính sách tiền lương.

Đưa ra dẫn chứng từ năm 2004 đến nay đã thay đổi không dưới chục lần nhưng thang bảng lương khu vực hành chính vẫn thấp xa so với các khu vực khác và chưa tính theo hệ số việc làm. “Điều này không khuyến khích công chức, viên chức làm việc, cống hiến”- ông Bình nói.

Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị cùng với cải cách hành chính thì Quốc hội, Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới thang, bảng lương nhằm thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan Nhà nước và chú ý tới chính sách trả lương hưu cho người nghỉ trước năm 1993 do trước đây cơ chế tiền lương rất thấp.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá, chính sách đãi ngộ với công chức cấp xã còn một khoảng cách với cán bộ, công chức nói chung, trong khi đây là cấp gần với người dân nhất.

Ủng hộ chủ trương chung về giảm đầu mối bộ máy hành chính, giảm biên chế để có nguồn nâng lương, ông Phương đề nghị khi triển khai cụ thể thì các cấp có thẩm quyền cần phải lắng nghe, thảo luận kỹ khi tính toán hợp nhất hay chia tách.

“Có ý kiến hợp nhất 3 văn phòng đại biểu Quốc hội, UBND, HĐND làm một nhưng theo tôi chưa phù hợp. Bởi vì các cơ quan này làm nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho ủy ban triển khai, rồi lại tham mưu HĐND giám sát thì không khách quan, không đảm bảo tinh thần của Hiến pháp”- ông Phương nêu quan điểm.

Khắc phục đầu cơ đất đai, mất rừng, mất cán bộ

Phát biểu tại hội trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - ông Dương Văn Thống đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ năm 2018 phần mục tiêu, giải pháp cần yêu cầu nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức. Từ đó các cơ quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ công chức thực thi công vụ.

Theo ông Thống, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người dân đã thấy kẽ hở liên quan đến vấn đề này, từ đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án, hết hỗ trợ này sang hỗ trợ khác, không quản lý được đất quy hoạch, không quản lý được hiện trạng.

“Việc chuyển mục đích sử dụng đất không hợp lý, chuyển đất rừng, báo cáo là rừng không ổn để chuyển sang mục đích khác dẫn đến thất thoát tài nguyên”- ông Thống nêu dẫn chứng.

Theo ông Thống, sửa pháp luật, chính sách liên quan đến đất đai có tác dụng nắn lại dòng tiền của nhiều doanh nghiệp tiềm lực, người dân hướng vào đầu tư sản xuất, khắc phục đầu cơ đất đai, mất rừng, mất cán bộ.

“Đầu tư vào đất đai, nếu lách kẽ hở của chính sách, có cán bộ hư hỏng hỗ trợ thì có thể phá vỡ quy hoạch, có thể mang lại siêu lợi nhuận cho người đầu tư lĩnh vực này”- ông Thống nêu quan điểm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống (Ảnh: Quochoi.vn).
Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Thống cũng nêu thực trạng thiên tai 2017 gây thiệt hại rất nặng nề, trong đó 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa đã trên 11.000 tỷ đồng. Riêng Yên Bái, chỉ hai đợt mưa và lũ quét đã thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng, bằng 80% thu ngân sách của tỉnh trong một năm.

Hiện Yên Bái có hơn 2.100 hộ cần di chuyển gấp, nếu không mưa lớn sẽ gặp nguy hiểm. “Tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ cấp bách, giải quyết các vấn đề trước mắt cho các tỉnh thiệt hại trong đó có Yên Bái. Đề nghị tăng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để làm lại, sửa chữa kết cấu hạ tầng cho các tỉnh”- vị đại biểu tỉnh Yên Bái đề xuất.

Trong khi đó, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2 phản ánh, các tuyến đường từ trung tâm tỉnh Hà Giang đi tới cửa khẩu biên giới, đường nội tỉnh đang xuống cấp, khiến người dân đi lại khó khăn.

“Lần nào đề nghị tiếp xúc cử tri, bà con cũng bảy tỏ bức xúc. Đề nghị Chính phủ ưu tiên trong ngân sách trung hạn, đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Giang”- ông nói.

Với tư cách người chiến sĩ từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho biết hiện các điểm cao biên giới như 1800A, B; 1030... vẫn còn khoảng 2.500 liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh chưa được đưa hài cốt về xuôi với gia đình.

“Gần 30 năm trôi qua, thân nhân các gia đình liệt sĩ chỉ mong trước khi đi xa được nhìn thấy hài cốt con mình được đưa về quê hương, gia đình. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cấp trọn kinh phí một lần cho Bộ Quốc Phòng, Quân khu 2 để quyết tâm trong năm 2018 - 2019 đưa hết hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang tại địa bàn Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang”- ông kiến nghị.

Theo Dân trí

TIN LIÊN QUAN