Tổng thống Donald Trump xoa dịu đồng minh trong chuyến thăm châu Á?

03/11/2017 20:20

(Baonghean.vn)- Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump được “đặt cược” rất cao. Ông ấy cần gửi đi thông điệp tới các đồng minh Mỹ lý do tại sao chính sách “Nước Mỹ trên hết” không đồng nghĩa với việc Washington rời bỏ đồng minh châu Á và kế hoạch của ông ấy như thế nào đối với Triều Tiên, bởi cho tới nay nhà lãnh đạo Mỹ đã mắc một loạt sai lầm.

Đầu tiên là việc ông Trump có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ có cuộc đối thoại với một lãnh đạo Đài Loan trong gần 4 thập kỷ qua. Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối.

Sau đó, ông Trump đã phá vỡ các nghi lễ ngoại giao tổng thống khi tham gia các cuộc khẩu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

aerbsfb sbasbasbsbawsbasbsbasbasbsvsvwrgv   rebafbawrbasb
Một trong những sắc lệnh đầu tiên được ký dưới thời Tổng thống Trump là Mỹ rút khỏi TPP. Ảnh: AP

Còn trên mặt trận kinh tế, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn không chỉ là hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử, mà còn là văn kiện Washington theo đuổi nhiều năm để làm đối trọng với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á.

Lập trường xung đột của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, cùng với việc thay đổi hẳn thái độ với hiệp định TPP và chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đã khiến cả đồng minh và đối thủ của Mỹ ở châu Á hoang mang về chính sách của nước này tại khu vực.

Chính vì lẽ đó, chuyến công du châu Á lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Mỹ mang ý nghĩa thật sự quan trọng, “bởi vẫn còn tồn tại rất nhiều hoài nghi về các chính sách của ông Trump’, chuyên gia Michael Auslin nghiên cứu về châu Á tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford cho hay.

Chuyến công du của ông Trump “tạo cơ hội cho Mỹ tái đảm bảo với các đồng minh và đối tác tại khu vực rằng các cam kết của Mỹ là vững bền và kể cả khi nước này theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì chúng ta vẫn chia sẻ lợi ích với nhau”, ông Bonnie Glaser, chuyên gia cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận xét.

Đề cập vấn đề Triều Tiên, chuyên gia Auslin nhận định “Liệu ông Trump thực sự có ý định gây chiến là câu hỏi nhiều nhà quan sát tại châu Á tự hỏi”.

Còn chuyên gia Glaser cho rằng để tái đảm bảo với các đồng minh, Tổng thống Trump “cần gửi đi thông điệp rõ ràng, nhất là khi các thông điệp hiện nay đều gây hoang mang. Nhà lãnh đạo Mỹ cần hối thúc tất cả các nước thực thi nghiêm túc các lệnh trừng phạt của LHQ. Ông ấy cũng cần tái đảm bảo thiện chí của Mỹ trong việc đàm phán và làm rõ điều kiện nào cần thiết cho các cuộc thương lượng”.

Tuy nhiên, theo ông Auslin, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khá xa vời, bởi Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi họ bị buộc làm như vậy thông qua vũ lực. Tương tự trong lĩnh vực thương mại, ông Glaser cho rằng: “Các đồng minh và đối tác khu vực nóng lòng muốn biết liệu chính sách của Mỹ có gì hơn, ngoài việc hạn chế thâm hụt thương mại song phương với một số nước nhất định”.

Ngoài ra, theo ông Auslin, “điều lớn nhất đó là ông Trump cần nói rõ lý do tại sao Mỹ vẫn duy trì vai trò quan trọng đối với tương lai châu Á. Có nhiều giả định cho rằng bây giờ là thời đại cho Trung Quốc lên ngôi. Ông Trump cần thay đổi quan điểm này, thay vào đó thuyết phục rằng Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò chính tại châu Á”. Tuy nhiên với việc Tổng thống Mỹ không tham gia hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), dường như ông Trump đang gây ra sai lầm lớn nhất, bởi đây vẫn là một sự kiện quan trọng của các nhà lãnh đạo châu Á. Khi đó, với việc không xuất hiện tại EAS, Tổng thống Mỹ đã nhường lại diễn đàn cho Chủ tịch Tập Cận Bình và cho phép ông Tập thu hút sự chú ý của dư luận.

Lan Hạ

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN