(Baonghean.vn) - Hiện có nhiều dụng cụ hông xôi bằng inox, nhôm, tuy nhiên "nghề" làm chõ hông xôi bằng gỗ của đồng bào Thái vẫn được duy trì.
Ông Lương Văn Việt, ở bản Khổi, xã Tam Thái (Tương Dương), một trong những người có kinh nghiệm làm chõ hông, cho biết, làm hông xôi có hai khâu quan trọng nhất. Đầu tiên là khâu chọn gỗ, phải lên rừng chọn những cây gỗ tròn, kích thước vừa phải, không quá to hoặc quá nhỏ, loại gỗ thường được chọn làm là gỗ có xốm, đây là loại gỗ có tính lành không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, cũng như không bị nứt nẻ. Ảnh: Đình Tuân
Tiếp theo là khâu đục khuôn, khâu này phải thận trọng từng bước, giữ cho khuôn không bị vỡ, kích thước miệng khuôn rộng 15 - 20 cm, đáy khuôn cố định khoảng 9 - 10 cm. Ảnh: Đình Tuân
Theo ông Việt, việc đục hông không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải tỷ mỉ, chịu khó. Ảnh: Đình Tuân
Nhất là công đoạn làm nhẵn bề mặt hông, bởi hông càng nhẵn thì xôi không bị dính và ngược lại. Ảnh: Đình Tuân
Tiếp sau công đoạn làm khuôn là làm giá đỡ đáy hông. Đây được xem là một trong những bước cuối cùng tuy nhiên cũng không kém phần quan trọng, bởi phải tìm được loại mét già, vót, hong phơi đủ nắng. Ảnh: Đình Tuân
Công đoạn cuối cùng đó là lót tấm liếp để làm đáy hông. Theo thống kê của ông Việt, những người làm chõ hông xôi trên địa bàn hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi việc làm chõ khá dày công. Ảnh: Đình Tuân
Bộ chõ hông xôi bằng gỗ được đa số đồng bào dân tộc miền núi cao Nghệ An sử dụng, trong đó chõ gỗ của người dân tộc Thái được biết đến nhiều hơn cả, bởi hông xôi trong chõ gỗ nếp chín đều hơn, thơm ngon hơn, xôi để được lâu hơn so với xôi đồ chõ nhôm, chõ inox.. Hiện nay chõ hông xôi bằng gỗ được bày bán khá nhiều ở các phiên chợ vùng cao, mỗi chiếc có giá từ 100-150 nghìn đồng, tùy theo kích thước to hay nhỏ. Ảnh: Đình Tuân