Rậm rịch mùa 'cốm dẹp' ở làng Phong Lâm

05/11/2017 10:51

(Baonghean) - Khi tiết trời heo may, những lò cốm làng Phong Lâm, xã Nghi Phong, Nghi Lộc (Nghệ An) lại đỏ lửa, bắt đầu một mùa cốm mới.

Không ai biết nghề cốm dẹp làng Phong Lâm, xã Nghi Phong có từ bao giờ. Theo những người cao niên, khi còn thiếu thời, họ đã được thưởng thức món cốm dẹp do ông bà cha mẹ làm ra. Mùa cốm thường bắt đầu từ cuối tháng 8 ÂL đến Tết Nguyên đán.

Cốm dẹp được làm từ lúa nếp của đồng quê Nghi Phong và các vùng phụ cận.

Vào mùa cốm, hàng ngày mỗi nhà thường phải dậy sớm từ 4 - 5 giờ sáng để làm nghề và kết thúc khi chiều hôm. Dịp cuối năm, công việc kéo dài đến đêm khuya.

Làng Phong Lâm xã Nghi Phong (Nghi Lộc) hiện có hơn 20 hộ làm nghề cốm dẹp. Ảnh: Nhật Tuấn
Làng Phong Lâm xã Nghi Phong (Nghi Lộc) hiện có hơn 20 hộ làm nghề cốm dẹp. Ảnh: Nhật Tuấn

Các công đoạn làm cốm hầu hết đều bằng thủ công. Lúa nếp sau khi tuyển chọn đem luộc chín. Sau đó đổ ra, chờ ráo nước mới đem rang.

“Vất vả nhất là khâu rang cốm. Rang hết một nồi lúa 25kg phải mất 4 giờ. Nhà làm 6 - 7 yến lúa phải nhiều người thay nhau ngồi rang đến 1 - 2 giờ chiều mới xong. Công việc này đòi hỏi phải kiên trì. Khi rang, lửa lò ổn định ở mức vừa phải, đảo liên tục để cốm chín đều. Khi hạt lúa nếp đã chín tới phải bắc ra ngay để hạt cốm giữ được màu xanh tự nhiên” - bà Võ Thị Cúc, một người làm nghề cho hay.

Lúa nếp sau khi rang được xát vỏ, sau đó đến phần làm cho hạt cốm bị dẹp mỏng.

Để có cốm đẹp, ngon và đỡ mất thời gian nhặt loại thì nguyên liệu đầu vào phải được chọn kỹ. Lúa nếp làm cốm phải có màu sáng cả vỏ lẫn nhân.

Quá trình ép dẹp cốm, người dân thường cho thêm một ít lá dứa thơm để tăng thêm màu xanh và mùi hương đặc trưng của cốm.

Để có cốm ngon, đẹp, nguyên liệu lúa nếp phải được chọn kỹ; khi rang phải để lửa vừa phải và đảo đều tay. Ảnh: Nhật Tuấn
Để có cốm ngon, đẹp, nguyên liệu lúa nếp phải được chọn kỹ; khi rang phải để lửa vừa phải và đảo đều tay. Ảnh: Nhật Tuấn

Làng Phong Lâm xưa chỉ có mươi hộ làm nghề cốm dẹp; bình quân mỗi hộ làm mươi cân lúa, thu nhập chỉ đủ cứu đói vào mùa giáp hạt. Nay nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, làng có trên 20 hộ dân làm nghề cốm dẹp truyền thống; nhà ít lao động mỗi ngày làm vài ba yến lúa, hộ có điều kiện làm sáu, bảy chục cân.

Dịp sát Tết nguyên đán, nhu cầu thị trường tăng cao, có hộ làm trên 1 tạ lúa nếp nguyên liệu/ngày.

Nghề cốm tận dụng được lao động mọi lứa tuổi. Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt mỗi ngày đầu mùa tiêu thụ khoảng 60kg lúa nếp để làm cốm. Chị Nguyệt cho biết: “Với giá bán lẻ 30.000 đồng, bán sỷ 28.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí tôi thu nhập mỗi ngày khoảng 600.000 đồng”.

Vào mùa cốm, các hộ dân làng Phong Lâm tiêu thụ khoảng 150 tấn lúa nếp; trừ chi phí ước thu nhập ước tính trên 1,7 tỷ đồng.
Vào mùa cốm, các hộ dân làng Phong Lâm tiêu thụ khoảng 150 tấn lúa nếp; trừ chi phí ước thu nhập ước tính trên 1,7 tỷ đồng.

Theo xóm trưởng Nguyễn Đình Nam, mỗi mùa cốm, các hộ dân tiêu thụ khoảng 150 tấn lúa nếp, trừ chi phí ước thu nhập ước tính trên 1,7 tỷ đồng. Số hộ có mức thu trên 10 triệu đồng/tháng không phải là ít. Riêng hộ ông Nguyễn Đình Lộc ngoài làm cốm còn mở dịch vụ máy xát, cung ứng lúa nếp cho bà con trong làng, thu nhập khoảng 80 triệu đồng trong 4 tháng mùa cốm.

Trước đây, bà con chỉ bán cốm quanh vùng. Nay, cốm dẹp Phong Lâm đã theo lái buôn tỏa đi muôn nơi. Cốm đã có mặt ở các tỉnh xa như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng và một số tình phía Bắc.

Cốm dẹp là nguyên liệu chế biến thành hàng chục món ăn. Riêng cốm rang phồng là món ăn dân dã của người dân địa phương. Ảnh: Nhật Tuấn
Cốm dẹp là nguyên liệu chế biến thành hàng chục món ăn. Riêng cốm rang phồng là món ăn dân dã của người dân địa phương. Ảnh: Nhật Tuấn

Mặc dù là nghề phụ và diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng nghề cốm dẹp đã góp phần cải thiện đời sống của bà con làng Phong Lâm. Nhiều hộ có điều kiện mua sắm phương tiện, xây nhà cửa khang trang. Hiện làng có 113 hộ thì có tới 35% hộ giàu, 55% hộ khá, hộ nghèo không còn.

» Nông dân miền Tây Nghệ An trồng cà tím sinh thái

Nhật Tuấn

TIN LIÊN QUAN