(Baonghean.vn) - Trong khi nhiều làng nghề đang dần mai một thì làng chổi Tú Viên xã Thanh Lương (Thanh Chương - Nghệ An) vẫn duy trì, phát triển và đem lại thu nhập khá cho người dân địa phương.
|
Làng Tú Viên có nhiều xóm, mỗi xóm có một thế mạnh riêng. Xóm 4 có truyền thống làm chổi từ xưa và đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề từ năm 2012. Hiện xóm có 164 hộ, trong đó gần nửa số hộ theo nghề chổi đót. Ảnh: Huy Thư |
|
Nguyên liệu chính để làm chổi là hoa đót được người dân đi lấy trên rừng hoặc mua lại của lái buôn chuyển về từ Lào và các huyện miền Tây như Kỳ Sơn, Tương Dương… Mùa hoa đót, mỗi nhà làm nghề thường dự trữ từ 3 - 5 tấn đót, phơi khô cất trên gác để dùng dần. Trong ảnh: Gác đót nhà bà Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Huy Thư |
|
Nghề làm chổi đót có nhiều công đoạn: ra đót, làm bòn, kết cổ, chắp cán, bện tít… Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì, chịu khó. Ảnh: Huy Thư |
|
Công đoạn kết cổ là quan trọng nhất. Trước đây, người ta thường dùng sợi mây để cột, kết đan; nay nhiều nhà dùng cả sợi thép, sợi nilon để kết cổ chổi… Ảnh: Huy Thư |
|
1 kg đót có thể làm được 2 chiếc chổi, mỗi chiếc chổi cần 30 phút để hoàn thành; trung bình một hộ làm nghề có thể làm 60 - 80 chiếc chổi/ngày. Nhiều hộ đã có sự truyền nghề cho các thế hệ con cháu. Ảnh: Huy Thư |
|
Theo người dân địa phương, để làm được sản phẩm bền, đẹp trước hết nguyên liệu phải chuẩn (hoa đót phơi khô; đót trên núi rừng Thanh Chương được ưa chuộng nhất), thứ đến là kỹ thuật kết chổi. Ảnh: Huy Thư |
|
Nghề này được người dân tranh thủ lúc nông nhàn. Ban ngày đi làm đồng, đêm về bà con vẫn chong đèn làm việc tới khuya. Ảnh: Huy Thư |
|
Nghề chổi đót không kén người làm, người già, người trẻ, đàn ông phụ nữ… ai cũng có thể làm chổi, mỗi người một công. Ảnh: Huy Thư |
|
Có nhiều hộ, mỗi năm sử dụng khoảng 5 tấn hoa đót (mua lúc chính vụ khoảng 20.000 đồng/kg), làm được khoảng 1 vạn cái chổi, đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Huy Thư |
|
Sản phẩm chổi đót của làng Tú Viên được bán khắp các chợ ở Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên với giá 25.000 đồng/chổi, ngoài ra còn nhập cho lái buôn đến lấy tận nhà thu mua hoặc chở đi Vinh. Nghề này đã giúp nhiều gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa và nuôi con ăn học trưởng thành. Ảnh: Huy Thư |
Huy Thư