Nghệ An: Chỉ 20% bà mẹ, trẻ em được sàng lọc trước sinh và sau sinh

06/11/2017 10:54

(Baonghean.vn) - Sáng 6/11, Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổ chức Tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ kế hoạch – tài chính và quy hoạch, phát triển hệ thống sàng lọc trước sinh, sơ sinh giai đoạn 2016 – 2020.

Tham dự có đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Sở Y tế cùng lãnh đạo Chi cục Dân số và Bệnh viện Sản nhi của 31 tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh: Mỹ Hà
Tham dự có đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Sở Y tế cùng lãnh đạo Chi cục Dân số và Bệnh viện Sản, nhi của 31 tỉnh, thành trong cả nước. Ảnh: Mỹ Hà


Hội thảo diễn ra trong hai ngày sẽ tập trung nghe và thảo luận nhiều vấn đề xung quanh dự thảo đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh giai đoạn 2017 – 2020. Đây là đề án nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế của công tác sàng lọc hiện tại. Mục tiêu cụ thể mà đề án đề ra là đến năm 2020, có ít nhất 50% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 80% trẻ sơ sinh được sàng lọc.

Lấy máu gót chân để sàng lọc sau sinh cho trẻ ở Bệnh viện Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà
Lấy máu gót chân để sàng lọc sau sinh cho trẻ ở Bệnh viện Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà


Đề án cũng chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện mục tiêu, trong đó các hoạt động chủ yếu là nâng cao năng lực các trung tâm sàng lọc trong khu vực; đào tạo tập huấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức truyền thông vận động, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Cùng ngày, các đại biểu được giới thiệu về nội dung: Thực trạng, kinh nghiệm sàng lọc tại Bệnh viên Nhi Trung ương và quy hoạch, định hướng mở rộng sàng lọc mặt bệnh mới; Kế hoạch chăm sóc Sức khỏe người cao tuổi trong Chương trình Mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020; một số nội dung và định mức chi về công tác Dân số.

Tại Nghệ An, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai từ năm 2012 tại 21 huyện, thành thị. Thông qua đề này nhằm tuyên truyền vận động người dân đi sàng lọc trước sinh và sau sinh để phát hiện dị tật, trong đó tập trung sàng lọc vào hai bệnh: suy giáp trạm bẩm sinh và thiếu men G6PD. Việc triển khai chủ yếu dưới hình thức xã hội hóa với sàng lọc trước sinh và Trung ương hỗ trợ kinh phí ở sàng lọc sau sinh. Tuy nhiên, do kinh phí đang nhiều khó khăn nên tỷ lệ các bà mẹ và trẻ em được sàng lọc chỉ mới chiếm từ 10 – 20%.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN