Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An: Sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập cán bộ, công chức
(Baonghean.vn) - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão cho rằng cần sớm hoàn thiện cơ chế kê khai tài sản, kiểm soát, công khai thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức một cách thiết thực, hiệu quả.
Ngày 6/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. |
Phát biểu trước Quốc hội, ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, của Chánh án tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng trình Quốc hội.
Đại biểu Mão đánh giá: “Có thể nói rằng đồng hành cùng với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, năm 2017 tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, hoạt động các loại tội phạm được kiềm chế, giảm đáng kể, nhất là các tội phạm trật tự xã hội, tội phạm nguy hiểm giảm mạnh”.
Ông cho rằng, đạt được kết quả, đó bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, còn có trách nhiệm và sự phối hợp của các ngành chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão. Ảnh: CTV |
Cũng theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, về công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri hết sức đồng tình và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong thời gian qua.
Nhiều vụ án tham nhũng, án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nghiêm trọng gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước đã được phát triển xử lý kịp thời thể hiện sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Mão cũng chỉ ra một số vấn đề Quốc hội, Chính phủ các cơ quan tư pháp quan tâm tập trung chỉ đạo: việc kiềm chế tội phạm cũng chỉ mới dừng lại ở con số cơ học, chưa có sự chuyển biến lớn về thực tiễn tác động đến xã hội;
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành và địa phương còn yếu, chưa đồng bộ; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng bộ, ngành ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt như báo cáo Chính phủ đã nêu; tự phát hiện tham nhũng là lĩnh vực rất yếu đang tồn tại qua nhiều năm, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục…
Số vụ án kinh tế, vụ tham nhũng phát hiện, xử lý qua thanh tra, kiểm tra, giám sát quá ít so với tình hình thực tế, đại biểu đặt câu hỏi, phải chăng nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chuyên sâu, do đối tượng phạm tội là những cá nhân, tổ chức có trình độ cao có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che đậy hành vi phạm tội.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cho thấy số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, trong đó có 77 người được xác minh tài sản thu nhập. Tuy nhiên, qua xác minh tài sản thu nhập, cơ quan có thẩm quyền chỉ phát hiện và xử lý 3 trường hợp về kê khai tài sản vi phạm về kê khai. |
Đề cập đến vấn đề kê khai, giám sát tài sản của cán bộ, công chức, đại biểu Mão nêu thực trạng cử tri, dư luận cho rằng số lượng phát hiện bản kê khai không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng đang tiềm tàng, ẩn giấu trong thực tế, cho thấy biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương, quà biếu, tặng, cảm ơn, quà lót tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
“Thêm vào đó những đối tượng có nhiều tài sản thường tìm cách “tẩu tán” tài sản bằng cách để người thân, họ hàng, nhóm lợi ích đứng tên các tài sản lớn, thậm chí mua vàng, đô la, kim cương, hiện vật quý hiếm ẩn giấu nhằm tránh kiểm soát”, đại biểu Trần Văn Mão nói thêm.
Không những thế, luật phòng, chống tham nhũng hiện hành không buộc cán bộ, công chức, đặc biệt là những người giữ vị trí lãnh đạo phải công khai rộng rãi các bản kê khai tài sản, nên khó đánh giá sự minh bạch trong các bản kê khai và người dân cũng không thể tiếp cận các bản kê khai tài sản.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Văn Mão đề nghị, để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng kịp thời, có hiệu quả cần phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong kê khai tài sản cá nhân cán bộ, công chức.
Mặt khác, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định cơ chế về kê khai tài sản và công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức một cách thiết thực, hiệu quả tránh hình thức.
PV - CTV
TIN LIÊN QUAN |
---|